Đề xuất sửa luật nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Y tế vừa có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sau 15 năm triển khai, các sửa đổi nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi về k hám chữa bệnh (KCB) BHYT của người dân.

Bộ Y tế đánh giá, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT hiện hành đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,6 triệu người, tỷ lệ bao phủ 93,3% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật…

Đề xuất sửa luật nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT ảnh 1

Quỹ BHYT giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Theo đó, việc quy định hộ gia đình còn một số bất cập, chưa định rõ đối từng thành viên cụ thể. Mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia BHYT chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên (cùng là thành viên hộ gia đình).

Đối với người nước ngoài, Luật BHYT quy định phạm vi điều chỉnh có "cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến BHYT". Quy định này chưa cụ thể, không rõ ràng về đối tượng, mức đóng, cách thức đóng BHYT dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Cùng với đó, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh; khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ; kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị…

Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả chưa rõ về khái niệm, chưa sát thực tiễn đặc thù của Việt Nam, chưa thể hiện tính chất của gói dịch vụ y tế cơ bản phải đặt trong sự cân đối về phạm vi quyền lợi và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Hiện việc chi trả chi phí KCB theo danh mục cụ thể, từng cấp bệnh viện. Trong thực tiễn không thể hướng dẫn được gói dịch vụ y tế cơ bản cho tất cả các tuyến.

Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến hiện phân theo địa giới hành chính, nên chưa thuận lợi khi người dân đi KCB ở các địa phương khác, giữa các tuyến, đặc biệt liên quan tới một số bệnh đặc thù không phải bệnh viện nào cũng đáp ứng được nhưng vẫn phải qua để chuyển tuyến…

Bên cạnh đó, hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 mới ban hành năm 2023 quy định 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thay cho tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện không còn là một căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nên cần sửa đổi Luật BHYT cho đồng bộ.

Về mức đóng BHYT, theo Bộ Y tế, quy định mức đóng chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Luật hiện hành quy định mức đóng tối đa đến 6% tiền lương tính đóng, nhưng chưa có cơ chế và lộ trình để Chính phủ có căn cứ tăng mức đóng trong khi nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT ngày càng cao. Hiện mức đóng, mệnh giá trung bình của thẻ BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Luật chưa có quy định bảo hiểm có nhiều mức đóng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về bảo hiểm đa tầng, hiện đại, liên kết giữa BHYT do Nhà nước thực hiện với BHYT thương mại.

Về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, Bộ Y tế cho biết, Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc (một quỹ duy nhất), nhưng đồng thời Luật cũng quy định về cách thức xử lý khi có kết dư hoặc thiếu hụt quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến chưa đồng bộ, nhất quán trong cách thức quy định luật. Đồng thời, quy định này cũng dẫn đến việc điều tiết nguồn quỹ BHYT và thanh toán chi phí bị thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh, thậm chí là khác nhau theo từng tỉnh, từng cơ sở khám, chữa bệnh.

Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ việc phân bổ quỹ cho chi phí quản lý. Trong nhiều năm qua, phần chi phí quản lý quỹ BHYT thực hiện hằng năm tối đa khoảng 3,5% nên cần điều chỉnh quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Khi có kết dư, Quỹ dự phòng đang tích lũy tương đương 50% quỹ khám chữa bệnh hằng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ ngay từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Chưa quy định nguyên tắc điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT, điều chỉnh mức đóng BHYT.

Theo Bộ Y tế, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và các luật liên quan có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giúp bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.

MỚI - NÓNG