Sửa Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo bền vững chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) với một số đề xuất thay đổi quy định. Chuyên gia quốc tế cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần hướng tới duy trì độ bao phủ BHYT đã đạt được và mở rộng thêm phần dân số chưa tham gia để đạt mục tiêu bảo vệ sức khoẻ toàn dân.

Để đạt mục tiêu 100% dân số có BHYT

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, tới nay, chính sách BHYT đã triển khai tại Việt Nam được 30 năm. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng dần qua các năm và tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009 độ bao phủ BHYT chỉ đạt 57% dân số, đến năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 91% dân số.

Đồng thời, quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch COVID-19, quỹ BHYT cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch. Kết quả đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, khi độ bao phủ BHYT còn thiếu bền vững, mức đóng thấp so với các chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng và quyền lợi được mở rộng hơn; chưa đảm bảo hài hoà với năng lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế...Do đó, cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật BHYT nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Tại Hội thảo mới đây, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam ông Kidong Park cho biết, BHYT toàn dân là mục tiêu chung của hệ thống y tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. BHYT là biện pháp hữu hiệu bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ tài chính cho tất cả mọi người. “Việt Nam đã có 91% dân số tham gia BHYT là một thành tích đáng ghi nhận”, ông Kidong Park cho biết.

Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ BHYT tới tất cả người dân, theo ông Kidong Park, Việt Nam cần duy trì bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT hiện tại và mở rộng thêm 9% dân số còn lại chưa tham gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện chức năng bảo vệ tài chính của cơ chế BHYT mạnh mẽ hơn. Tình trạng người bệnh tự thanh toán tiền viện phí vẫn còn rất cao và có xu hướng tăng. Để tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân, Việt Nam cần đổi mới cách làm để tiếp cận các khu vực phi chính thức, bất kể họ làm gì, ở đâu vẫn tham gia BHYT...

“WHO cam kết hợp tác với BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các đối tác quan trọng khác để hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân Việt Nam”, đại diện WHO nói.

Sửa Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo bền vững chính sách ảnh 1

BHYT là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. ẢNH MINH HỌA: PHẠM THANH.

Đề xuất nhiều thay đổi lớn

Từ cuối năm 2020, Bộ Y tế đã bắt tay xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) với sự tham gia đồng hành, góp ý kiến của BHXH Việt nam. Dự luật đề cập 5 chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện.

Cụ thể, Dự luật mở rộng nhóm tham gia BHYT mà luật hiện hành chưa bao phủ hết, như: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người chưa đủ giấy tờ tùy thân, thân nhân người lao động (được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng)...

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mở rộng quyền lợi hưởng BHYT, như bổ sung dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám sàng lọc để phát hiện sớm một số loại bệnh, vắc xin, thêm BHYT bổ sung...

Dự luật cũng đề cập tới việc đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở được BHYT chi trả, như nhà thuốc, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, cấp cứu, vận chuyển người bệnh...

Điều chỉnh sách để nâng cao hiệu quả giám định, chuẩn hóa công tác giám định, cấp chứng chỉ hành nghề cho giám định viên. Cuối cùng, Dự luật sửa đổi các quy định về phân bổ, sử dụng, quản lý quỹ BHYT hiệu quả, trong đó đề xuất quỹ BHYT được vay ngân sách nhà nước khi bội chi...

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm mức chi trả BHYT của một số nhóm đối tượng từ 100% hiện hành xuống 95% (điều 27), gồm: Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ dưới 6 tuổi; người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên; hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn; người sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công...

MỚI - NÓNG