Chính sách đột phá đi kèm trách nhiệm giải trình
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp, nhất là lĩnh vực dịch vụ như hàng không và du lịch. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 5,2%. Trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 7%, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi tăng trưởng âm 2,5%.
Còn ở Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 đến nay cơ bản đã được kiểm soát, nhưng đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh khá nặng nề. Trong quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82%, lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài giảm, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh.
Trước thực tế này, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam là rất cần thiết để có định hướng điều hành và cũng phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.
“Tôi nhất trí với đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế... Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh, chúng ta vẫn phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam”, đại biểu đoàn Nam Định nhìn nhận.
Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều nhà đầu tư bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã gần 2 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Nhân cơ hội này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, một mặt phải củng cố, sắp xếp những yếu kém nội tại nền kinh tế, củng cố thị trường trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh; mặt khác phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết, có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để triển khai công tác này.
Trên cơ sở đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, để thu hút những tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam, cần có những ưu đãi mới có tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Muốn được như vậy, cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn để chủ động có các phương án cụ thể đàm phán, thu hút các tập đoàn lớn.
Tất nhiên, đi kèm với những đột phá này là trách nhiệm báo cáo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đối với những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ có thể báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Chống tham nhũng bằng cải cách thể chế
Bên cạnh đó, đại biểu Hoa cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là các Luật đầu tư, đầu tư công, đất đai, quy hoạch, đề xuất sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật; kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để ban hành kịp thời những chính sách mới có tính chất đột phá và để tạo một nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ sau…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, trước hết chống tham nhũng bằng cải cách về thể chế, bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật và các hoạt động kinh tế. Những bất cập của cơ chế chính sách, của pháp luật được phát hiện qua quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần phải được sửa đổi kịp thời.
“Biết rằng, chặng đường phía trước còn lắm gian nan nhưng tôi tin với quyết tâm cao; nỗ lực lớn; hành động quyết liệt, hiệu quả; không chủ quan, nóng vội; không mất cảnh giác, say sưa với chiến thắng thì chúng ta sẽ sớm đưa đất nước ta vượt qua đại dịch”, đại biểu Hoa bày tỏ.
Liên quan đến việc sửa Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận, khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ là một số điều mà phải sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách pháp luật.
Việc sửa đổi liên quan rất nhiều đối tượng nên cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến vấn đề thực tiễn. Đặc biệt chú ý hơn 60% những người đang sử dụng đất. Đây là những người nông dân ở nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng, quan trọng khác cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.
“Qua ý kiến của Bộ Chính trị thấy rằng cần phải sửa toàn diện và chúng ta biết thực tế sửa Luật Đất đai bao giờ cũng liên quan đến kinh tế - xã hội, chính trị. Bởi vậy thông thường là có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đi trước. Qua 6 lần sửa, chúng ta đều cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội và đều có một nghị quyết của Trung ương đi trước để chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2003. Nên đây là lý do mà Bộ Chính trị đã có chỉ đạo sửa đổi toàn diện, thận trọng”, ông Hà cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ, Quốc hội đã cân nhắc thời điểm, nội dung, phương pháp… “Khi có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030, Chính phủ chắc chắn sẽ có ngay trên bàn dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội”, ông Hà khẳng định.