Diễn đàn “Tổ chức Đoàn – người bạn đồng hành cùng thanh niên” do anh Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn điều hành. Trong đó, chủ trì tổ thảo luận số 5 có anh Lê Thanh Tú, Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn, chị Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La; ở tổ thảo luận số 6 có anh Trần Hữu, Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị, chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng.
Tham dự diễn đàn, 82 đại biểu tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp về 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”.
Toàn cảnh diễn đàn “Tổ chức Đoàn – người bạn đồng hành cùng thanh niên” ở tổ thảo luận số 6. Ảnh: Như Ý |
Anh Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn |
Trước đó, toàn Đoàn đã tập trung tuyên truyền về 3 chương trình đồng hành với thanh niên với phương thức đa dạng, nhiều hoạt động đột phá đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng so với nhu cầu, mong muốn của thanh niên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nội dung đồng hành với thanh niên vẫn còn hạn chế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nhìn thẳng và phân tích những hạn chế về việc triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên yếu thế, khu vực đặc thù chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế chưa đáp ứng được hết nhu cầu, tiềm năng của thanh niên. Các thiết chế tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn thiếu. Việc thiết lập và sử dụng các hình thức tư vấn về tâm lý, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu nhi chưa được triển khai hiệu quả…
20 ý kiến góp ý của đại biểu tại tổ thảo luận số 6 đã góp ý cụ thể, bày tỏ mong muốn, nhu cầu và những khó khăn của thanh niên hiện nay và cách để tuyên truyền về Đoàn, Hội trên nền tảng số sao cho hiệu quả.
Đại biểu dự diễn đàn "Tổ chức Đoàn – người bạn đồng hành cùng thanh niên”. Ảnh: Như Ý |
Anh Trần Hữu - Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị, chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chủ trì tổ thảo luận số 6. |
Cần tích hợp thêm nhiều tính năng mới trên app Thanh niên
Xây dựng và đóng góp giải pháp tại diễn đàn, PGS.TS Đào Việt Hằng (Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu) cho rằng, tổ chức Đoàn cần tìm hiểu, khảo sát nhu cầu đào tạo kĩ năng của thanh niên sâu hơn theo khu vực, độ tuổi, tôn giáo, lĩnh vực hoạt động chuyên môn từ chính app Thanh niên. Từ đó, biến app Thanh niên là một nền tảng không chỉ để kết nối thanh niên với Trung ương Đoàn mà còn để các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, các đơn vị tìm đến người cần thiết. Có như vậy, thanh niên mới nhận thấy được họ cần và muốn gắn kết với tổ chức Đoàn để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Không chỉ vậy, chị Hằng đề xuất việc tích hợp thêm nhiều tính năng mới trên app Thanh niên như khảo sát trực tiếp nhu cầu thực tế của đoàn viên, thanh niên trong quá trình hoạt động để có sự định hướng phù hợp. Sau đó xây dựng các chương trình phát triển kĩ năng với đối tượng thanh thiếu niên ở từng đơn vị, từng lĩnh vực, đảm bảo tính thực tế và đáp ứng đúng nhu cầu.
“Đoàn cần đóng vai trò giúp thanh niên gửi gắm tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị phù hợp đến Chính phủ, các bộ ban ngành để việc triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng thanh niên được kịp thời, toàn diện”, chị Hằng nói thêm.
PGS.TS Đào Việt Hằng (Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu) xây dựng và đóng góp giải pháp tại diễn đàn. Ảnh: Như Ý |
Theo sát hoạt động của thanh niên trên không gian mạng
Về chương trình “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, anh Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi góp ý, trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần theo sát hoạt động của thanh niên hơn nữa trên không gian mạng để có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo tuyên truyền hiệu quả.
Anh Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi góp ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Như Ý |
“Dễ thấy, thời gian dành cho mạng xã hội của đoàn viên ngày càng tăng lên với nhu cầu giải trí, sáng tạo, tiếp nhận thông tin... nên các hoạt động văn hóa trực tiếp cũng không còn được thu hút nhiều đoàn viên như trước. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần theo sát với các bạn trẻ trên không gian mạng để sáng tạo thêm các hoạt động văn hóa tinh thần online, chuẩn hóa kỹ năng sử dụng mạng xã hội và nâng cao nhận thức trong việc truyền tải thông điệp về Đoàn, Hội”, anh Vin nhấn mạnh.
Góp ý thêm, anh Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên thích ứng nhanh chóng và biết cách sáng tạo nội dung để thu hút công chúng theo dõi. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần theo dõi sâu hơn và có những định hướng tiếp cận KOL để phối hợp tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn. Không chỉ vậy, việc tập hợp, thu hút các bạn sáng tạo nội dung trẻ trên mạng xã hội cùng chung tay xây dựng nội dung tuyên truyền về tổ chức Đoàn sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn đến nhiều người. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra tiêu chuẩn khi các bạn sáng tạo, xây dựng sản phẩm số sao cho phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi.
Anh Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội phát biểu tại diễn đàn. |
Bên cạnh những ý kiến nổi bật nêu trên, nhiều đại biểu còn có đóng góp giải pháp về hoạt động khởi nghiệp cho thanh niên; đề xuất hỗ trợ thêm công tác phí cho các cán bộ Đoàn cơ sở; tổ chức riêng các cuộc thi cho đối tượng Đoàn là lực lượng vũ trang... để phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn khi là người bạn đồng hành cùng thanh niên.