Đề xuất lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu để tránh gây sốc

TPO - Hai phương án nâng tuổi nghỉ hưu của lao động là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 tuổi và nam lên 62 tuổi, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng; phương án hai  là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Sáng 23/4, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên thứ 8, cho ý kiến về vấn đề bảo hiểm xã hội. Liên quan đến đề án cải cách về bảo hiểm xã hội (BHXH) trình Trung ương cho ý kiến tới đây, đặt ra lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, phương án đề xuất được xây dựng theo lộ trình thực hiện để không gây sốc đối với người lao động.

Cụ thể đề án trình hai phương án: nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng; phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Đề xuất lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu để tránh gây sốc ảnh 1 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Trong đề án trình Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng, nếu người đóng bảo hiểm xã hội rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng.

Cụ thể, sẽ có ba phương án: Thứ nhất là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu; thứ hai là bảo hiểm xã hội bắt buộc như quy định hiện hành; thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao. Người lao động có thể nhận lương hưu tương ứn với số tiền đóng khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, với các phương án trình Trung ương, nếu được đồng ý, phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành.

Một bất cập hiện nay, theo ông Dung, khó vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi điều kiện của người lao động trong khu vực phi chính thức vẫn khó khăn. Mặt khác tỉ lệ hỗ trợ của nhà nước còn ít.

Hiện có khoảng 230 nghìn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, còn trên 300 nghìn doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buột, ước tính với khoảng 3 triệu người.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, cần xem xét lại đối với chính sách bảo hiểm một lần đối với người lao động. Theo ông Dung, không có nước nào mà chính sách bảo hiểm xã hội lại thoáng như vậy, đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội rồi xin rút, hưởng một lần, một thời gian sau có việc mới lại đóng và sau đó lại xin rút, hưởng một lần.

“Làm sao để tiến tới bảo hiểm toàn dân, cho mọi người dân khi về già được hưởng bảo hiểm, có mức sống ổn định. BHXH là một trong hai trụ cột an sinh nhất của đất nước, cần chú ý để tuyên truyền và mạnh dạn điều chỉnh thời gian đóng, nếu cứ 20 năm thì không chịu nổi. Đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn. Bảo hiểm tự nguyện chỉ được hưởng phần anh đóng, còn phần nhà nước thì không có”, ông Dung cho hay.

Cũng theo bộ trưởng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, nhưng vừa qua thiết kế chi cho bảo hiểm thất nghiệp mới chủ yếu hỗ trợ sau thất nghiệp, chi trả trợ cấp, nhưng chưa chú trọng giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ để người lao động tìm việc làm mới. Những giải pháp có tính chất tác động tích cực thì chưa làm được. Do đó thời gian tới phải đặt mạnh đến việc phòng ngừa, hỗ trợ cho người lao động.

MỚI - NÓNG