Bộ Tài chính đề xuất, giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít (giảm 50%), áp dụng cho cả năm 2022.
Bộ này đánh giá, nếu hoạt động khai thác hàng không phục hồi tương đương mức năm 2020, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.898 tỷ đồng. Trường hợp chỉ khôi phục như mức năm 2021, ngân sách giảm thu khoảng 1.386 tỷ đồng.
Để đề xuất này được áp dụng, cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.
Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng dịch COVID-19, để hỗ trợ các hãng hàng không, nửa cuối năm 2020 và cả năm 2021, nhà nước đã áp dụng chính sách giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (còn 2.100 đồng/lít).
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, chính sách giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay giúp hãng giảm được 155 tỷ đồng trong năm 2020, và giảm 164 tỷ đồng trong năm 2021.
Về số thu ngân sách, trong thời gian áp dụng giảm thuế môi trường nhiên liệu bay vừa qua, ngân sách giảm thu hơn 1.072 tỷ đồng (năm 2020 giảm 493 tỷ đồng, năm 2021 giảm 579 tỷ đồng).
Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, chính sách giảm thuế nhiên liệu chỉ có tác dụng khi doanh nghiệp có hoạt động, nhưng thời gian qua do ảnh hưởng đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, hoạt động bay gần như “đóng băng”. Do đó, chính sách giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay trong năm 2021 chưa mang lại nhiều tác dụng hỗ trợ với các hãng hàng không như kỳ vọng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, dịch COVID-19 đã làm các hãng hàng không Việt Nam lỗ trên 16.000 tỷ đồng trong năm 2020, năm 2021 dự kiến số lỗ sẽ lớn hơn năm trước. Kéo theo đó số nộp ngân sách của các hãng cũng giảm trên 10.000 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2021, nợ đến hạn của 3 hãng hàng không chiếm thị phần chính trên thị trường đã lên tới 50.000 tỷ đồng.