Đề xuất dùng chất nạo vét lấn biển: Phải cân nhắc kỹ

Khu vực biển ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân dự tính được nạo vét.
Khu vực biển ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân dự tính được nạo vét.
TP - Trước đề xuất của tỉnh Bình Thuận về việc dùng chất nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để thực hiện các dự án bồi lấp, lấn biển ven bờ thay vì nhận chìm xuống đáy, các chuyên gia khoa học lên tiếng về vấn đề này.

Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, việc dùng chất nạo vét làm vật liệu lấn biển có dùng kè là giải pháp cần tính đến. Về cơ bản, nhiều nhà khoa học ủng hộ việc sử dụng bùn đất nạo vét để bồi lấp lấn biển ở những khu vực phù hợp. Việc này hữu ích hơn và dễ kiểm soát hơn là nhận chìm ở vùng biển gần bờ. “Chủ đầu tư thường thích chọn phương án đổ ra biển vì về mặt kinh tế rẻ hơn nhiều so với đổ trên bờ, mặt khác đổ ra biển lại khó kiểm soát hơn”, TS Trường cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trường, phải thận trọng trong công tác điều tra, khảo sát và quyết định cho phép tiến hành bồi lấp. Các khu vực bờ biển hiện nay đang ở vị trí cân bằng. Làm kè đổ cát lấn biển tại một khu vực sẽ phá vỡ cân bằng hiện có, làm cho các khu vực lấn biển rất khó bảo vệ, không có bãi và gây xói lở ở các khu vực bờ biển, kinh nghiệm xói lở tại Hội An và nhiều vùng cửa biển là minh chứng thực tế.

Hơn nữa, để bảo vệ bờ, cần phải thuận theo tự nhiên. Bãi cát có khả năng tiêu tán 90% năng lượng sóng, trong khi kè lấn biển chỉ tiêu tán được 20% đến 30% năng lượng sóng. Nhật Bản, Singapore có lấn biển nhưng họ thuận theo tự nhiên, dùng công trình để thay đổi trường sóng và đổ cát để nuôi bãi. Lấn biển theo cách này vừa có bãi, vừa bảo vệ bờ. Ngoài ra, cát có thể dùng nuôi bãi, chống xói lở bảo vệ bờ. Để làm việc này, nên nghiên cứu sử dụng phương pháp dùng máy cát (sand engine) của Hà Lan.

Ngoài ra, nếu sử dụng cát nạo vét để bảo vệ bờ, cần có những nghiên cứu, đánh giá để đảm bảo cát nạo vét có tính chất tương đồng với cát tại bãi biển khu vực đang xói lở. Hay nói cách khác nếu chứng minh được công trình lấn biển không gây hại cho khu vực lân cận hoặc có giải pháp bảo vệ các khu vực lân cận, tránh được tác động xấu thì có thể thực hiện.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng Sinh thái học, Viện Hải dương học, Việt Nam có nhiều khu vực bờ biển đang bị sạt lở nghiêm trọng cũng như nhiều khu vực đang thực hiện khai hoang, lấn biển. Vì vậy, chất nạo vét có thể sử dụng như vật liệu để thực hiện các công trình lấn biển. Tuy nhiên, cần phân tích, giám sát để chắc chắn rằng, chất nạo vét này không có chất ô nhiễm, độc hại. Theo TS Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và hải đảo Việt Nam, việc đổ bùn cát sỏi nạo vét cho các khu lấn biển, hay đảo, bãi ngầm bãi bồi là phù hợp.

TS Toán cũng cho rằng, nên đa dạng hoá cách thức sử dụng vật chất nạo vét, một số có thể nhận chìm nhưng phải ở độ sâu 200m hay sâu hơn và xa bờ 100-200 km. Nếu độc hại thì gom lại cho vào thùng container thả xuống đáy biển sâu 1.000 m. Chất nạo vét cũng có thể sử dụng làm vật liệu lấn biển san nền, xây dựng đảo nhân tạo, làm bãi bồi chắn sóng, chống xói lở bờ. Nếu trong chất nạo vét có cát hoặc chất tựa cát có thể tạo bãi tắm mới...

Nhận chìm: Khẩn trương đánh giá tác động môi trường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết,  ngày 25/7, Chính phủ có chỉ đạo giao Viện chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, các nhà khoa học thực hiện đánh giá độc lập tác động môi trường của dự án nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Trong chiều qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã họp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, thành lập các tổ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao. Đại diện Viện cho hay, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở khu vực thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận sẽ được thực hiện khẩn trương.

Cùng với đó, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang thực hiện công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực đáy biển được Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm. Trong đó có khảo sát hệ động thực vật, san hô. Các thông tin này sẽ là cơ sở nền để thực hiện đối chứng, so sánh trong trường hợp thực hiện nhận chìm. Được biết, việc khảo sát, đánh giá này đã bước vào giai đoạn hoàn thành.

MỚI - NÓNG