Đề xuất dạy thêm: Trường học không phải là đơn vị kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Hiện tại trường phổ thông và giáo viên phổ thông đang làm sai chức năng xét về bản chất ở khía cạnh dạy và học thêm. Trường học không phải đơn vị kinh doanh và giáo viên ở trường phổ thông là nhà giáo dục không phải người luyện thi”- Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương nêu quan điểm.

Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy khi thảo luận tại Quốc hội sáng 20/11/2023 có nói, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường gồm đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thực thi công vụ. Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Quốc Vương, nhà nghiên cứu giáo dục để hiểu thêm về vấn đề này.

Đề xuất dạy thêm: Trường học không phải là đơn vị kinh doanh ảnh 1

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương

“Tôi phản đối dạy thêm"

PV: Thưa ông, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy khi thảo luận tại Quốc hội sáng 20/11 có đề nghị dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Tôi phản đối dạy, học thêm với sự tham gia của giáo viên đang dạy trong trường phổ thông khi đã là giáo viên biên chế, hợp đồng dài hạn và công nhận dạy, học thêm như một nhu cầu bình thường nếu nó độc lập với các trường và giáo viên.

PV: Vì sao ông lại hạn chế tối đa việc học thêm?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Dạy thêm học thêm tràn lan ở Việt Nam giống như là một liệu pháp tâm lý, ngoại giao cho học sinh và một cách thức làm kinh tế hơn là một giải pháp, lựa chọn giáo dục

Cách học, cách thi ở Việt Nam là kiểm tra nhớ, hiểu nội dung trong sách giáo khoa hoặc mở rộng từ sách giáo khoa do vậy học thêm chủ yếu tập trung vào ôn luyện lại các kiến thức này. Nó thực sự không phải giáo dục.

Nó tạo ra khoảng cách lớn giữa các gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau và ảnh hưởng tới quan hệ thầy trò, hình ảnh người thầy, cũng như sự phát triển lành mạnh của trẻ (bao gồm cả sức khỏe tinh thần và thể chất)

PV: Nếu đề nghị này được chấp thuận, ông nghĩ sẽ có nhiều hệ lụy mang lại?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Nếu cho phép dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì chỉ cải thiện được một điều là thu được thuế và nắm được ai dạy, ai không mà thôi. Tuy nhiên không giải quyết được hệ lụy dạy thêm, học thêm thậm chí thúc đẩy nó phát triển mạnh hơn vì chính thức công nhận bằng pháp luật.

Dạy thêm, học thêm tràn lan ở Việt Nam giống như là một liệu pháp tâm lý, ngoại giao cho học sinh và một cách thức làm kinh tế hơn là một giải pháp, lựa chọn giáo dục. Cách học, cách thi ở Việt Nam là kiểm tra nhớ, hiểu nội dung trong sách giáo khoa hoặc mở rộng từ sách giáo khoa do vậy học thêm chủ yếu tập trung vào ôn luyện lại các kiến thức này. Nó thực sự không phải giáo dục.

Các hệ lụy sẽ xảy ra sẽ có như: giáo viên và nhà trường coi dạy thêm là việc hợp pháp, chính danh nên đẩy mạnh vì đem lại lợi ích kinh tế. Điều này có thể làm cho việc dạy chính khóa suy yếu về chất lượng.

Nảy sinh vấn đề pháp lý khi quản lý giáo viên dạy thêm vì sẽ có người dạy không xin phép và chuyện gì sẽ xảy ra khi các cơ quan chức năng xử phạt, xử lý giáo viên vi phạm? Sẽ xuất hiện tình trạng dạy chui và làm tệ hơn hình ảnh người thầy.

Cơ quan quản lý dạy thêm, học thêm bằng cấp phép kinh doanh sẽ có thêm nhiều quyền lực và dễ lạm dụng nó. Điều này không tốt cho giáo dục và xã hội văn minh.

Ngoài ra, không giải quyết được mâu thuẫn về đạo đức nghề nghiệp, lợi ích kinh tế ở giáo viên trường công.

Đừng để giáo dục mất thiêng, thành cái chợ đúng nghĩa

PV: Vậy theo ông, biện pháp khả dĩ cho đến lúc này của dạy thêm là gì?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Các nước văn minh đã nghiên cứu kĩ và biện pháp duy nhất khả dĩ cho đến lúc này là tách rời dạy thêm ra khỏi trường công và giáo viên biên chế. Ai đã có biên chế, hợp đồng dài hạn (đóng bảo hiểm xã hội) thì không được dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào. Ai dạy thêm thì phải là giáo viên độc lập, gia sư, giáo viên của trung tâm

PV: Vậy theo ông, học thêm nhìn nhận ở góc độ nào là hợp lý?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Học thêm nên nhìn như một nhu cầu tự nguyện của phụ huynh và người cung cấp dịch vụ đó là giáo viên nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân đúng với nghĩa 'thêm" của nó.

Hiện tại trường phổ thông và giáo viên phổ thông đang làm sai chức năng xét về bản chất ở khía cạnh dạy và học thêm. Trường học không phải đơn vị kinh doanh và giáo viên ở trường phổ thông là nhà giáo dục chứ không phải người luyện thi.

PV: Vậy việc học thêm chúng ta đang sai? Theo ông, cần phải thay đổi thế nào để giáo dục trở về đúng bản chất?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Cải cách giáo dục của chúng ta không được tiến hành bằng luật mà bằng các văn bản dưới luật hoặc dự án, vì vậy nó nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn và không thống nhất.

Ví dụ, trong luật nói là công bằng giáo dục nhưng lại có trường điểm, trường chất lượng cao. Luật quy định phát triển toàn diện nhưng thực tế lại có trường chuyên và thành tích thi đua.

Chuyện dạy thêm sai khi không thực hiện đúng "giáo dục là quốc sách hàng đầu" tức là giáo viên sống được bằng lương và có nghĩa vụ tập trung vào công việc của chính mình đang đảm đương. Đây là gốc rễ.

PV: Ý của ông là nếu Nhà nước chưa thay đổi được lương, giáo viên chưa sống được bằng lương với nghề thì chắc vẫn có dạy thêm?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Chắc chắn. Và khi được là ngành nghề có điều kiện, khi đó sẽ có bắt, lập biên bản xử lý...

Khi đó giáo dục mất nốt hình ảnh còn lại. Chúng ta thử tưởng tượng một người thầy cúi đầu nghe cơ quan chức năng lập biên bản bắt quả tang dạy thêm chưa có phép (mà thủ tục cấp phép chắc sẽ không đơn giản). Và khi học sinh biết, xã hội biết và sẽ thế nào, rồi tố nhau dạy không phép, rồi lách. Và như vậy thì giáo dục hoàn toàn hết thiêng. Giáo dục thành một cái chợ đúng nghĩa

Và ông thầy không có quyền uy gì với trò cả (quyền uy=sự kính trọng tự nhiên, tự nguyện trò trao cho thầy).

PV: Vậy là cách đặt vấn đề “dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện” cũng là chưa phù hợp, thưa ông?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Trên tên gọi người ta công nhận giáo viên đang làm công tác giáo dục ở trường công tham gia vào kinh doanh. Một điều tối kị của giáo dục vì nó vi phạm nguyên lý cơ bản. Ngay cả trường tư người ta cũng tránh từ "kinh doanh giáo dục" vì giáo dục không thực hiện được bằng các nguyên lý của kinh doanh. Trên thế giới không có ai làm như thế cả.

PV: Vậy theo ông, giáo viên cần gì để có thể trở thành “giáo viên hạnh phúc” đúng nghĩa?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Đó là môi trường làm việc dân chủ-an toàn và mức lương đủ sống bình thường (như người có trình độ tương đương đi làm doanh nghiệp tư nhân bên ngoài).

Khi nói và hô hào thực hiện mà không tính đến sự khả thi hay cam kết thì sẽ rơi vào hình thức, đạo đức giả và phản tác dụng.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang, tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004. Sau đó anh đã có 8 năm học tập, nghiên cứu về Giáo dục Lịch sử tại Nhật Bản bằng học bổng do Chính phủ Nhật cung cấp. Dành phần lớn thời gian cho công việc viết sách và dịch thuật, đến nay anh đã có hơn 70 đầu sách dịch và sách viết về nhiều lĩnh vực như: lịch sử học, văn hóa đọc, giáo dục trường học – được xuất bản.

Giải thưởng: giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.

MỚI - NÓNG