Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu: Người nghèo, khó lại càng khổ

TP - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nâng mức khởi điểm chịu thuế nhà, đất. Với nhà từ 700 triệu đồng mà tính thuế suất 0,3 - 0,4%/năm là rất cao

Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng triển khai thuế tài sản sẽ đảm bảo tính công bằng hơn rất nhiều so với việc tăng thuế giá trị gia tăng. Nếu đánh thuế này, người giàu hơn sẽ phải trả thuế nhiều hơn bởi họ sở hữu nhiều tài sản hơn…

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng người giàu chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ không thể hiện được đầy đủ đóng góp cho xã hội. Vì vậy, việc đánh thuế tài sản sẽ tạo sự công bằng về khả năng lưu giữ tài sản giữa những người dân khác nhau. Đánh thuế nhằm điều chỉnh thu nhập giữa người có tài sản rất lớn với người không có hoặc chỉ có ít tài sản trong xã hội.

Bà Lan đánh giá, bất động sản ở Việt Nam đắt đỏ so với các nước trên thế giới. Nhiều tổ chức nước ngoài khi nhận xét nhà đất ở Hà Nội, TPHCM cũng thừa nhận đắt ngang ngửa so với Hồng Kông, Tokyo, trong khi thu nhập đầu người của Việt Nam thấp. Giá nhà ở được hình thành trên nền tảng quá cao trong khi đánh thuế ở mức rất thấp là chưa hợp lý.

“Nếu có đánh thuế, tôi nghĩ phải nâng cao hơn rất nhiều, 5-7 tỷ đồng trở lên. Ngay cả mức 5-7 tỷ đồng cũng phải cân nhắc, tính đến nhà đó bao nhiêu người ở. Với nhà từ 700 triệu đồng mà tính thuế suất 0,3 - 0,4%/năm là rất cao”, bà Lan nói.

Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng, nếu nguồn thu từ thuế tài sản được sử dụng đúng mục đích sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi có nguồn lực mới đầu tư trở lại cho cuộc sống người dân tốt hơn, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề về chi ngân sách, sử dụng hiệu quả đồng tiền thuế của người dân cần phải thực hiện triệt để hơn. Bên cạnh việc thu thuế tài sản thì cần phải tái cơ cấu được nguồn chi ngân sách.

Ông Du dẫn ví dụ ở các nước khác, thuế tài sản là thuế địa phương, tức là không chỉ chi đến từng tỉnh mà đến từng hạt, từng vùng… Ví dụ như quận A thu 100 tỷ đồng thì cần phải phân phối lại để họ cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác ở quận đó…Đó là cách phân phối thuế tài sản một cách hợp lý. Nếu nhà nước lạm thu, cứ thu nhưng chi không hợp lý, người dân không được hưởng lợi thì sẽ bị mất niềm tin, người dân sẽ phản đối và các chính sách khó thực thi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính đưa ra bị phản ứng nhiều do mốc đánh thuế với nhà, đất có giá trị từ trên 700 triệu đồng. Thời gian qua nhà nước thực hiện chính sách cho vay để người dân mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, trả trong 15-20 năm. Nhưng thực tế những ngôi nhà thu nhập thấp hiện có mức giá 700-800 triệu đồng, thậm chí trên 1 tỷ đồng.

“Việc đánh thuế từ mốc trên 700 triệu đồng trở lên chính là đánh ngay vào đối tượng thuộc diện thu nhập thấp đang được nhà nước phải hỗ trợ, chứ không phải đánh vào người có tài sản lớn. Người dân phải dành dụm, vay mượn tiền mới mua được căn nhà và nay phải tiếp tục chật vật đóng thuế là điều dễ nhìn thấy”, bà Lan nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.