Trung Quốc “ngang ngược và thách thức”
Theo đánh giá của ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), mối quan ngại lớn nhất trên biển Đông hiện nay là việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá ngầm ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này còn “nghiêm trọng hơn” việc đem vũ khí hạng nặng ra bãi đá. “Đây là hành động đi xâm chiếm, đòi hỏi sự lên án của cả thế giới và đòi hỏi Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm phạm chủ quyền của nước khác”, ĐB Tuấn nói, đồng thời cho rằng, đây là một hành động “ngang ngược và thách thức” các cường quốc khác trên thế giới.
Theo ĐB Tuấn, cử tri và người dân cả nước mong muốn Đảng, Chính phủ phải có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn, có những hành động phản ứng mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần tranh thủ sự tiếp sức của các cơ quan truyền thông thế giới, lên án hành động sai trái của Trung Quốc. “Tôi tin rằng cả thế giới sẽ không đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng quyền chủ quyền, lợi ích của quốc gia khác”, ĐB Tuấn nói.
ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị phải có thái độ dứt khoát, chính kiến rõ ràng trên cơ sở mềm dẻo, khôn khéo. “Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, nhưng cần bình tĩnh, có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Việt Nam là nước hòa bình, nhân ái nhưng quyết bảo bệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
480 tàu đã được đăng ký
Trước tình hình phức tạp trên biển Đông, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt chiến lược biển Đông, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để có những dự báo, giải pháp kịp thời. Bên cạnh đó, cần cân đối nguồn lực, bảo đảm ngân sách thích đáng để đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo trọng điểm, từ các đảo gần đến các đảo xa, tạo thành hệ thống liên hoàn các đảo trên vùng biển nước ta.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh quốc phòng, được quan tâm nhiều năm nay. Chủ trương này được thiết kế một cách đồng bộ, từ sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá đến cảng biển, tạo ra cú hích trong hoạt động nghề cá. Phó Thủ tướng cho biết, đến ngày 21/5 đã có 480 tàu được đăng ký, trong đó có 78 tàu dịch vụ nghề cá và đã ký hợp đồng với 52 tàu, giải ngân được 52 tỷ đồng.
“Tới đây Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn với thực tế, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, tôi tin tưởng chính sách sẽ thành công”, Phó Thủ tướng nói.
Dân sự hóa một số đảo lớn
Tại phiên thảo luận, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh mẽ kiến nghị, Chính phủ phải tập trung đẩy mạnh dân sự hóa một số đảo lớn ở quần đảo Trường Sa. “Đây là một chiến lược lâu dài, vì vậy Chính phủ cần phải nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách đặc thù, để người dân có kế sinh nhai, ổn định lâu dài trên đảo”, Trung tướng Trường nhấn mạnh, đồng thời đề nghị đầu tư vào đó trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng ô tàu, tàu cảng. Đây vừa là trung tâm hậu cần, cung cấp hậu cần kỹ thuật cho ngư dân đánh bắt xa bờ, đồng thời cũng là trung tâm phòng chống bão lụt, xử lý các sự cố trên biển.
Trung tướng Trường cũng lưu ý đến việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với du lịch biển đảo, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để ngư dân nhận thức về Luật Biển Việt Nam, cùng các luật liên quan khác, để phát triển kinh tế biển bền vững, lâu dài.