Đề xuất có 'lằn ranh đỏ' để cán bộ tự giác hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Đây cũng là chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, như tiền nhân đã nói, đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại", đại biểu Quốc hội nêu.

Chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn

Sáng 29/5, phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề cập đến những vấn đề trong công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Theo đó, đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền nên có “lằn ranh đỏ”, quy định bằng văn bản. Nghĩa là, trước đây cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định của pháp luật, thu lợi bất chính thì tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước. Họ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ, và vẫn hoạt động, công tác bình thường, để cho những người lỡ nhúng chàm ăn năn, hối cải.

Đề xuất có 'lằn ranh đỏ' để cán bộ tự giác hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp ảnh 1

ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

“Đây cũng là chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, như tiền nhân đã nói "đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại". Tôi tin rằng những người này sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình. Còn ai không tự giác khai báo, nếu phát hiện sau này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất , không tình tiết giảm nhẹ”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu cũng bày tỏ xót xa khi "củi đưa vào lò toàn là loại gỗ quý hiếm". "Nhiều quy định phát huy người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai thì bị xử lý. Tôi nghĩ cán bộ hiện nay, theo báo cáo làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ”, ông Hòa nói.

Đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng?

Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, theo đại biểu Đoàn Đồng Tháp, vẫn còn nhiều bất cập. Giá vàng biến động mạnh, chênh lệch lớn so với thế giới. Từ đó dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông, cần có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng. Đấu thầu vàng của Ngân hàng nhà nước chỉ giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng.

“Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng, sửa đổi, bổ sung Nghị định 24, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Có như thế, tôi tin thị trường vàng sẽ ổn định chứ không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.

Đề xuất có 'lằn ranh đỏ' để cán bộ tự giác hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp ảnh 2

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Ảnh: Như Ý

Cũng theo đại biểu, thời gian gần đây, vé máy bay tăng cao, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. “Các hãng bay bị lỗ nhiều năm liền, nhưng Cục Hàng không làm dịch vụ thì tăng thu hằng năm. Các hãng cho rằng, lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bị thu nhiều loại phí tại sân bay”, ông Hòa đặt câu hỏi và mong nhận được câu trả lời của Bộ GTVT .

Về giá xăng dầu, ông Hòa nói, Quỹ bình ổn giá xăng dầu giao cho doanh nghiệp quản lý, cho nên có những trường hợp “tự tung, tự tác, thiếu tiền rút ra tiêu xài”, dẫn đến sai phạm như trong thời gian qua.

Vậy về lâu dài, liệu có cần thiết duy trì quỹ này hay không để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường, vì đây là nguồn tiền của người dân đóng góp mà không biết sử dụng nguồn tiền này ra sao?

“Trong nhiều kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ mà thị trường xăng dầu vẫn ổn định. Nếu bỏ quỹ này vẫn không vi phạm Luật Giá 2023, vì luật chỉ quy định chung, không đề cập đến quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu”, ông nói.

MỚI - NÓNG