'Đề xuất chống úng ngập bằng trữ nước ngầm ở sân vận động, trường học là phi lí'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, các biện pháp chống úng ngập ở Hà Nội phải tính tới việc tuân thủ quy hoạch ngầm đã được phê duyệt. "Vừa rồi có ý kiến trữ nước ngầm ở trong trường học, sân vận động là phi lí. Ngoài việc lo ngại xâm phạm không gian ngầm còn liên quan đến yếu tố sử dụng, tuổi thọ của các công trình nói trên", ông Nghiêm nói.

Liên quan đến vấn đề úng ngập tại Hà Nội khi xuất hiện mưa lớn thời gian vừa qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, nguyên nhân khách quan là thời tiết thay đổi bất thường, mưa lớn liên tục, lượng nước nhiều. Đặc biệt, đợt mưa cuối tháng 5 được xác định lớn nhất trong 36 năm qua.

'Đề xuất chống úng ngập bằng trữ nước ngầm ở sân vận động, trường học là phi lí' ảnh 1

Úng ngập ở Hà Nội khi mưa lớn. Ảnh: Duy Phạm

Nguyên nhân chủ quan, theo ông Nghiêm, là quy hoạch thoát nước của Hà Nội hiện mới chỉ tính toán đáp ứng lượng mưa khoảng 310mm trong vòng 2 ngày. Trước hiện tượng mưa lớn bất thường như thời gian qua, Hà Nội cần phải tính toán, điều chỉnh lại quy hoạch này.

Ông Nghiêm cho rằng, để điều chỉnh quy hoạch này, cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Trước hết là phải khơi thông hệ thống kênh, mương, cống ngầm, bảo quản thường xuyên.

"Hà Nội đã hai đợt làm quy hoạch nhưng tỷ lệ diện tích mặt nước (dành cho thoát nước) trên mặt đất vẫn còn thấp. Cả Hà Nội mới có khoảng 2% diện tích có mặt nước phục vụ công tác này, trong khi đó để đảm bảo điều tiết được thì phải cần 5 - 6%. Hà Nội hiện mới có hơn 6.000 ha, phải tăng lên gấp đôi, lên 12.000 - 15.000 ha", ông Nghiêm nói.

Một biện pháp nữa, theo ông Nghiêm, Hà Nội chia ra làm 4 khu vực ở cuối nguồn thoát nước, phải chú trọng đầu tư cho các hồ nước ở khu vực này. Ví dụ như khu vực Liên Mạc, Yên Sở phải có hồ nước đủ lớn để trữ nước, làm sạch, tính chất như đập thuỷ điện, chảy ra sông lớn...

Cùng với đó, phải nâng công suất của các trạm bơm chống úng, ngập. Hiện, Hà Nội có nhiều trạm bơm cố định và trạm bơm cuối nguồn, nhưng đều có công suất nhỏ, chưa đáp ứng được. Đáng chú ý, nhiều trạm bơm chưa hoàn thiện, hoàn thành, chưa tính tới lượng nước mưa lớn.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã lấp một số hồ tự nhiên, gây áp lực cho thoát nước, ông Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã có quy hoạch cây xanh, mặt nước, nhưng hiện chưa huy động được nguồn lực thực hiện. Ở Yên Sở có hồ lớn để điều tiết, nhưng không đào sâu được, trong khi lại lấp đi một số hồ.

"Trong mấy năm qua, Hà Nội lấp đi khoảng hơn hai chục cái hồ. Tất nhiên có những hồ trong khu dân cư, hồ chết không kết nối thì lấp được. Nhưng diện tích hồ mới ở khu công viên, rồi một số hồ cũ cải tạo, kè đứng thì cũng làm nhỏ diện tích, rồi không có bảo dưỡng, không đảm bảo độ sâu để trữ nước, như hồ trong Công viên Tuổi trẻ", ông Nghiêm nêu.

Nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, để giải quyết tổng thể các vấn đề nói trên, cần phải có thời gian, nguồn vốn. Còn giải pháp trước mắt là phải đầu tư ngân sách để giải quyết úng ngập cục bộ bằng công nghệ mới. Bài học từ TPHCM, một số nước trên thế giới đã làm, như đầu tư trạm bơm công nghệ mới, thậm chí có nước còn xử lý được cả úng ngập nước biển...

"Cơ quan quản lý phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống, nôm na là thau rửa kênh, cống thoát nước. Vận động người dân hạn chế vứt rác, bởi rác thải khi trôi xuống cống ách tắc lại không thoát nước được, đặc biệt ở các khu vực nội đô", ông Nghiêm nói.

Trước một số ý kiến cho rằng, Hà Nội nên xây dựng một số bể ngầm để chống úng ngập khi mưa lớn, ông Nghiêm cho biết, quan trọng nhất vẫn là trữ nước mặt. Hà Nội cũng đã có quy hoạch không gian ngầm, đây là nguồn tài nguyên rất quý giá của thành phố, phải tuân thủ nghiêm quy hoạch này.

"Như vừa rồi có ý kiến trữ nước ngầm ở sân vận động, trường học thì là phi lí. Có thể sẽ xâm phạm quy hoạch không gian ngầm, hơn nữa, còn ảnh hưởng đến yếu tố sử dụng, tuổi thọ của các công trình này", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Ông Nghiêm cũng cho biết, trong quy hoạch ngầm của Hà Nội cũng đã tính tới có những bể nước ngầm, quan trọng là có nguồn lực thực hiện được không, như ở gần khu vực Hồ Tây cũng có quy hoạch khu vực chứa nước ngầm để bổ cập nước cho Hồ Tây khi cần thiết, rồi làm nhiều việc khác.

Tựu chung lại, theo ông Nghiêm, bài toán giải quyết úng ngập của Hà Nội hiện nay là do "chưa đồng bộ". Ngay cả việc khơi thông, nạo vét dòng chảy sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cũng vẫn chưa hoàn thành...

MỚI - NÓNG