Ngập úng tại Hà Nội: Quy hoạch thoát nước bị 'lãng quên'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thoát nước Hà Nội. Mục đích để phát triển hạ tầng thoát nước và bổ sung các dự án chống ngập mới, nhưng sau gần 10 năm, chưa có dự án nào theo quy hoạch này thực hiện xong.

Ngổn ngang các dự án thoát nước

Lãnh đạo Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước) cho biết, hệ thống hạ tầng hiện chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50mm đến 100mm, hệ thống quá tải và xuất hiện trên 10 điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. “Với những trận mưa trên 100mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập nằm ngoài dự báo của Cty”, lãnh đạo Cty Thoát nước thông tin.

Năm 2013, Chính phủ đã ký Quyết định số 725/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thoát nước trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này, ngoài cập nhật, bổ sung đầu tư hạ tầng thoát nước cho khu vực nội đô, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, thành phố xây dựng các trạm bơm chống ngập cho khu vực phía Tây. Cụ thể, gồm các dự án: Trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), công suất 170m3 nước/giây (lớn nhất Hà Nội tại thời điểm hoàn thành); trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông), công suất 120m3 nước/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở); nâng gấp đôi công suất các trạm bơm: Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 (Bắc Từ Liêm).

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, mặc dù đã được thành phố phê duyệt dự án và có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2018 nhưng đến nay công trường thi công các dự án trạm bơm thoát nước vẫn ngổn ngang.

Tại dự án xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa với mức đầu tư 4.700 tỷ đồng (bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Đáy), nhà máy bơm xây xong từ năm 2018 nhưng kênh dẫn nước vẫn chưa xong, nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Dự án trạm bơm Liên Mạc có tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng (bơm nước sông Nhuệ ra sông Hồng) nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Lý giải về việc dự án thoát nước thi công chậm trễ, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư dự án 2 trạm bơm Yên Nghĩa và Liên Mạc cho biết, lý do kênh La Khê dẫn nước ra trạm Yên Nghĩa chưa xong là do vướng nhiều mặt bằng chưa được UBND quận Hà Đông giải tỏa xong. Với trạm bơm Liên Mạc, ông Mỹ cho rằng, dự án được lập năm 2013 và có chủ trương đầu tư theo hình thức BT, tuy nhiên sau đó hình thức đầu tư BT bị dừng nên hiện nay chủ đầu tư và thành phố đang tìm nguồn vốn thay thế, đây là nguyên nhân dẫn đến dự án chưa thể triển khai.

Ngập úng tại Hà Nội: Quy hoạch thoát nước bị 'lãng quên' ảnh 1

Ngập nặng trên các tuyến phố nội đô Hà Nội những ngày qua

Với các dự án nâng công suất trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (chủ đầu tư các dự án này) cho biết, hiện nhà máy đã xây dựng cơ bản xong, tuy nhiên hệ thống kênh dẫn đi qua nhiều khu dân cư trong quận nội thành chưa được chính quyền địa phương giải phóng xong. Ông Sơn cho biết, các dự án trên đang cần thêm thời gian để hoàn thành.

"Phố thành sông" ai chịu trách nhiệm?

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: Cấp, thoát nước là một trong những vấn đề đảm bảo an sinh và an ninh cho thành phố. Những năm qua Chính phủ và Quốc hội luôn quan tâm và thông qua chủ trương đầu tư hạ tầng thoát nước cho Hà Nội. Tuy nhiên, công tác giám sát, chỉ đạo thực hiện nội dung này của lãnh lạo thành phố, sở ngành, quận huyện thời gian qua chưa sâu sát và có phần lãng quên.

Bà An cho biết, Dự án thoát nước giai đoạn 2 đầu tư đến hơn 11.000 tỷ được lập năm 2000 và chu kỳ xây dựng và phục vụ hiệu quả của dự án trong giai đoạn 10 năm (từ 2005 đến 2015). Tuy nhiên, đến các năm 2018 - 2020 mới xong, dẫn đến chệch thời điểm phục vụ tốt nhất của dự án. Trước những chậm trễ và có một số sai phạm trong việc thực hiện dự án thoát nước Hà Nội, năm 2019 Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hơn 10 cán bộ, cấp chỉ huy liên quan đến dự án thoát nước giai đoạn 2 nhưng đến nay việc kỷ luật này chưa được UBND thành phố thông tin. Hơn nữa, cán bộ, cấp chỉ huy dự án bị xử lý kiểm điểm thì trách nhiệm của lãnh đạo thành phố đến sở chuyên ngành phụ trách dự án thế nào cũng cần phải xem xét.

Theo bà An, việc thực hiện quy hoạch thoát thước đến nay đã 9 năm, ngoài hạ tầng thoát nước trên địa bàn thành phố vẫn chưa có nhiều thay đổi, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2, thì hầu hết các dự án trạm bơm ở phía Tây vẫn chưa hoàn thành phải được làm rõ nguyên nhân vì sao, ai phải chịu trách nhiệm cho việc này.

PGS.TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng cho rằng, dự án Thoát nước Hà Nội và đầu tư các trạm bơm bổ sung về sau có số vốn rất lớn (khoảng 20.000 tỷ đồng) nhưng đến nay việc giải quyết úng ngập không được như kỳ vọng là điều rất đáng tiếc. Vẫn biết việc ngập úng có thể xảy ra với bất kỳ thành phố nào khi mưa lớn, nhưng với các trận mưa có cường độ trung bình từ 100 đến 150mm, nhiều tuyến phố nội đô vẫn ngập sâu thì cần xem xét lại công tác quản lý, thực hiện quy hoạch thoát nước tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG