Từ chối thẳng thừng
Nghe tin TPHCM đang xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân và đề xuất cấm xe máy của một số chuyên gia, nhiều người bán hàng rong, kiếm sống tự do vô cùng hoang mang và bức xúc vì cho rằng việc sử dụng xe máy là bất khả kháng.
Bà Mai (45 tuổi, tiểu thương) hàng ngày vẫn đi xe máy từ nhà (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) đến chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) bán hàng thuỷ sản tươi sống. Hàng hoá các thương lái tự chở tới chợ bỏ mối. Đường xa, nhiều hôm buôn bán mệt mỏi, bà gửi xe ở nhà người quen rồi đón xe buýt tuyến số 55 về nhà cho khoẻ.
Bà kể: Đi một mình không không sao. Hôm rồi ế ẩm, tôi mang về nhà nửa thau cá lóc. Cá còn sống, thở ô xy, bơi lội rất khoẻ nhưng nhân viên xe buýt không cho lên xe, bảo tôi mang đồ hôi thúi, chiếm diện tích sàn xe. Tôi đón tất cả bốn xe 55 nhưng cả bốn chiếc từ chối nên phải chở về bằng xe máy.
Một số người buôn bán dạo cho biết do buôn bán quần quật cả ngày ngoài đường nên nhiều lúc muốn đi xe buýt từ ngoại ô vào trung tâm cho khoẻ nhưng người nào cũng tay xách, nách mang, hàng hoá cồng kềnh nên không được đi xe buýt. Đối với họ, xe máy và xe ba gác là phương tiện mưu sinh duy nhất.
Ông Thanh (36 tuổi, thợ bảo trì máy lạnh) nói: Tui có rất nhiều mối ở quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, thậm chí ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Nhà tui ở quận Bình Thạnh, đi xe máy rất oải, lại tốn xăng, trong khi tiền vệ sinh máy lạnh chỉ 120.000 đồng/cái. Tui rất muốn đi xe buýt cho tiện, vừa rẻ vừa khoẻ nhưng kẹt nỗi thấy tui xách theo ống, máng rửa lỉnh kỉnh, nhất là bình gas nhỏ (để châm gas máy lạnh) là xe buýt chạy mất dép.
Một số công nhân điện lực, nhân viên bảo trì hệ thống mạng viễn thông thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) và VNPT TPHCM cho biết thường mang theo nhiều dụng cụ phục vụ công tác bảo trì lưới điện, mạng viễn thông nên bị xe buýt từ chối phục vụ. Anh Bảo (nhân viên VNPT TPHCM) kể: Có lần, nhân viên xe buýt yêu cầu tôi bỏ lại cái thang xếp thì mới cho lên xe. Không có thang, làm sao trèo lên cột kiểm tra đường dây?
“Giữa trưa nắng, chạy xe máy ngoài đường giống như bị hành xác. Ai chẳng muốn ngồi xe buýt có máy lạnh, chỉ tốn 6.000 đồng/lượt nhưng có muốn cũng không được. Chúng tôi bắt buộc phải đi xe máy. Cấm xe máy không biết chúng tôi đi bằng gì”, Anh bảo băn khoăn.
Thiếu cơ sở khoa học
Theo TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia giao thông, những người kiếm sống tự do khi di chuyển không đi mình không mà luôn mang theo bên mình phương tiện kiếm sống là các loại hàng hoá bán lẻ hoặc công cụ lao động cầm tay, khí cụ chuyên dùng…
Các thứ mang theo đều phải dùng công cụ chuyên chở mà tiện nhất, hiệu quả nhất là các loại xe thô sơ đẩy tay (quầy hàng rong), xe ba bánh đẩy tay (mua bán ve chai), xích lô tải, ba gác tải hoặc xe máy.
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố hiện có trên 1,3 triệu người nhập cư. Trong số những người làm nghề tự do bằng xe 2-3 bánh ở TPHCM có 44% là người nhập cư; 43% là tỷ lệ tương ứng của những người buôn bán trên vỉa hè và 55% người nhập cư buôn bán lưu động.
Khi di chuyển trong thành phố, những người làm nghề này không đơn thuần di chuyển con người mà thường có nhu cầu kèm theo hàng hoá, phương tiện hành nghề (còn gọi là đơn nguyên vận tải cá thể). Với họ, khó có thể đi xe buýt khi loại phương tiện công cộng này bị giới hạn bởi các luồng tuyến định sẳn bất di, bất dịch và hạn chế hàng hoá mang theo bên người cả về trọng lượng lẫn thể tích.
Ông Ninh cũng chỉ ra loại xe buýt mà TPHCM đang sử dụng cho giao thông công cộng ở nội thành là bất hợp lý. Xe buýt tại các nước phát triển chỉ bố trí ghế ngồi chiếm khoảng 30% diện tích sàn xe. diện tích còn lại dành cho người di chuyển cự ly ngắn, không cần ngồi hoặc những người mang theo hành lý cồng kềnh phải đứng kèm hành lý.
Ngoài ra, cửa lên xuống rộng và sử dụng dễ dàng. Còn xe buýt tại TPHCM gần như 100% diện tích sàn xe đều được bố trí ghế ngồi, chỉ chừa lối lưu thông giữa hai hàng ghế. Cửa lên xuống hẹp, di chuyển khó vì bậc cao, dốc… Đó không phải là loại xe dành cho những đơn nguyên vận tải cá thể.
Theo ông Ninh, những người kiếm sống bằng mọi ngành nghề tự do, tự do về nghề nghiệp, phương hướng di chuyển và tần suất di chuyển chiếm tỷ lệ khoảng 74% dân số. Vì vậy, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại TPHCM ngay thời điểm này là điều không thực hiện được vì vướng cả một hệ thống tổ chức quản lý xã hội hiện nay và tính đặc thù kiếm sống mang tính cá thể của đa số dân cư trên địa bàn.
Ở các nước phát triển, chỗ làm và nơi ở luôn được quan tâm giải quyết để hạn chế sự di chuyển hàng ngày của người lao động đối với cuộc sống của họ. Các nước tổ chức, hình thành những khu cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống cho người lao động loại này trong khu dân cư nơi họ cư trú bao gồm cả thương xá, trường học, trạm xá, bệnh viện, dịch vụ công ích, kể cả nhà văn hoá, khu vui chơi giải trí nhằm hạn chế nhu cầu di chuyển do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Chuyên gia này cho rằng muốn hạn chế xe cá nhân, không có cách nào khác là phải tổ chức lại xã hội một cách đồng bộ về mọi phương diện, từ xây dựng địa bàn đến hình thành các khu công nghiệp đồng bộ với việc cư trú của người lao động, thay đổi cơ bản cách kiếm sống của cư dân TPHCM để thích nghi với việc sử dụng phương tiện giao thông vận tải công cộng.
TS Nguyễn Lê Ninh cảnh báo: “Ùn tắc giao thông tại TPHCM là một hiện tượng xã hội và nó tồn tại mâu thuẫn trong nội bộ xã hội. Vậy thì, phải dùng các giải pháp dựa trên những kiến thức cơ bản của kho học xã hội để phân tích các chủ thể gây mâu thuẫn và nguồn cơn của nó chứ không nên chỉ dùng giải pháp quản lý hành chính đơn thuần. Cách làm này không giải quyết được những mâu thuẫn nội tại của xã hội, không có cơ sở khoa học và tôi coi đó chẳng qua là giải pháp của cái nhìn trước mắt mà không quan tâm tới sự phát triển bền vững của xã hội”.
Điều 18, Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 16/10/2006 ban hành quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt, quyền và trách nhiệm của khách đi xe buýt là hành khách được mang theo hành lý xách tay không quá 10 kg và diện tích của hành lý mang theo chiếm tối đa 0,10 m2 sàn xe. Khách đi xe không được mang theo các loại hàng hoá cấm lưu thông, hàng cồng kềnh, hàng tanh hôi, chất dễ cháy nổ và động vật sống là hàng hóa.