Xe máy người bảo cấm kẻ nói không - Kỳ 3:

Dùng xe đạp để hạn chế xe máy, nên hay không?

Cảnh sát khu vực ở TPHCM tuần tra bằng xe đạp. Việc sử dụng xe đạp tại TPHCM còn hạn chế do một số bất tiện và định kiến.
Cảnh sát khu vực ở TPHCM tuần tra bằng xe đạp. Việc sử dụng xe đạp tại TPHCM còn hạn chế do một số bất tiện và định kiến.
TPO - Xe đạp đem lại nhiều bổ ích cho người sử dụng và cộng đồng như rèn luyện sức khoẻ, tiết kiệm, không gây ô nhiễm môi trường…song nhiều người vẫn không muốn bỏ xe máy để khôi phục lại một thói quen cũ, vì sao?  

Không phù hợp thực tế

Là dân chơi thể thao, thích vận động, anh Hùng (42 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) vẫn giữ thói quen đi xe đạp từ thời sinh viên nghèo khó. Đến phòng tập gym, sân bóng, cuối tuần đi nhậu, uống cà phê bù khú với bạn bè, anh luôn kè kè chiếc xe đạp thể thao.

Tuy nhiên, hàng ngày Hùng vẫn đi xe máy đến cơ quan làm việc. Anh giải thích: Đi xe đạp lòng vòng trong xóm thì không sao. Chạy ra đường lớn dễ sinh chuyện.

“TPHCM chưa có đường dành riêng cho xe đạp. Đường đông, xe đạp đi chậm, lưu thông chung với xe máy, ô tô, xe buýt.., nên sơ sểnh là máng tay lái té ngã. Nhiều hôm đang chạy ngon lành thì bị những người đi xe máy thiếu ý thức tạt đầu suýt té. Sợ nhất là xe buýt. Từ phía sau, mấy ông vượt lên rồi tấp vào trạm. Phanh xe đạp lại không dính nên rất dễ va chạm”, anh Hùng nói.

Theo một số chuyên gia giao thông, xe đạp chưa phù hợp với điều kiện thực tế của TPHCM. Tại các nước tiên tiến, người dân, nhân viên công sở đi xe đạp cự ly ngắn, sau đó chuyển sang các phương tiện vận tải công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt…  Tại các nhà ga thường có bãi xe đạp công cộng hoặc bãi giữ xe cho hành khách.

TS David Ngô (Việt Kiều Mỹ) phân tích: “Ở Việt Nam, bạn phải đạp xe từ nhà đến cơ quan vì tại các trạm xe buýt chưa có bãi giữ xe. Nhà gần không sao, khoảng cách mười mấy hai chục cây, đạp xe trong thời tiết nóng bức, qua mấy cây cầu cao ngất ngưỡng như cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ … thì liệu có còn đủ sức làm việc? Mồ hôi nhễ nhại, cần tắm rửa thay quần áo trong khi không phải cơ quan nào cũng có điều kiện đáp ứng”.

Theo PGS TS Nguyễn Minh Hòa, một giải pháp cần hiện thực hoá nhanh là phát triển xe đạp và đi bộ. Việc phục hồi xe đạp ở khu vực trung tâm là hoàn toàn có thể. Trước mắt là lập các bãi thuê xe đạp tự động như các nước đã làm phục vụ cho khách du lịch và người dân, lập các bãi giữ xe hơi ngầm ở cách xa khu vực trung tâm, chẳng hạn công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, sau đó các công chức, doanh nhân sử dụng xe đạp đi đến công sở và sau đó di chuyển bằng xe đạp trong khu vực vùng lõi của thành phố.

Bị … xem nhẹ

Anh Quang (28 tuổi, quê Bình Thuận), nhân viên một siêu thị điện máy kể: “Tôi từng nộp hồ sơ xin việc tại một cơ sở sản xuất. Người ta thẳng tay loại những người đi xe đạp. Nhiều nơi còn ghi rõ điều kiện tuyển dụng là các ứng viên phải có xe máy. Đi xe đạp đồng nghĩa với việc anh xử lý công việc chậm chạp. Có lần, ông trưởng phòng tổ chức chỗ tôi đang làm bây giờ còn nói thẳng: “Đẹp trai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi Dream”.

Có một thực tế là hầu hết các bãi giữ xe ở TPHCM đều không muốn nhận giữ xe đạp. Theo PGS TS Nguyễn Minh Hòa, trong khi ở các nước, tổng thống, thủ tướng, thị trưởng đi xe đạp là bình thường thì ở Việt Nam vẫn tồn tại những định kiến như xem người đi xe đạp là người nghèo, đi xe đạp rất khó xin việc, không được phép vào cơ quan, còn các bãi giữ xe không muốn phục vụ … khiến vị thế của người sử dụng xe đạp bị xem là thấp kém trong xã hội. 

Ông Hòa cho rằng để khuyến khích người dân đi xe đạp, ngoài việc yêu cầu đội ngũ cán bộ công chức làm gương thì phải xây dựng cho được hình ảnh người đi xe đạp đẹp hơn đi... ô tô lexus. “Việc phát động một phong trào rất dễ nhưng duy trì nó lâu dài và qua nhiều thế hệ để trở thành một thói quen sống là điều cực kỳ khó”, ông Hoà nói.

Theo ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông Vận tải, TPHCM đã đưa ra 7 nhóm giải pháp về hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng, trong đó dự kiến trong năm 2017 sẽ thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.