Để xảy ra khiếu kiện: Đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu

TP - Ngày 7/10, thảo luận về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014 của Chính phủ và báo cáo của ngành Tòa án, Viện kiểm sát, các đại biểu cho rằng cần xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai cho dân.
Để xảy ra khiếu kiện: Đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (trái) tiếp công dân đến khiếu nại từ xã Đạo Tú, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đan Quế

Báo cáo Chính phủ do Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày nêu rõ: Năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%.

Tình hình KNTC năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt.

“Cá biệt có một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan Trung ương, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết. Đáng chú ý, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phần lớn các vụ việc đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài” – Ông Huỳnh Phong Tranh báo cáo.

Thảo luận báo cáo Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, bên cạnh nguyên nhân từ kinh tế - xã hội, môi trường pháp luật, là chất lượng nguồn nhân lực, ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ. “Tôi chưa nói đến có tiêu cực không, vì có tiêu cực phải xử lý ngay, nhưng có vấn đề trách nhiệm ở đây khi mà để khiếu kiện kéo dài, dù đã qua cả giám đốc thẩm mà dân vẫn khiếu kiện thì phải có sự đánh giá lại” – Ông Phước nói.

Nhìn vào báo cáo của ngành Tòa án với hơn 5.000 vụ việc tồn đọng, ông Phước đề nghị phân tích, làm rõ trong đó có bao nhiêu vụ để kéo dài mà chưa xử lý được. Nếu cứ đà này, có lẽ đến năm 2015 số vụ tồn đọng sẽ tăng lên 6-7 nghìn vụ mất!

Phải xử lý trách nhiệm

Phân tích nguyên nhân KNTC, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ rõ: Bên cạnh cơ chế, chính sách, pháp luật có những điểm bất cập, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Trong khi đó, tiếp công dân, giải quyết KNTC còn đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền; chất lượng giải quyết còn nhiều sai sót. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật...

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, phải chỉ rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cán bộ, kể cả người đứng đầu để xảy ra khiếu kiện. “Để giải quyết được quyền lợi, trong những vụ KNTC đúng, người dân phải chịu rất nhiều vất vả. Cho nên khi để xảy ra sai sót cho dân cũng phải xem xét thật nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan” – Ông Phúc nói.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương, hơn 5.000 vụ việc có dấu hiệu làm oan sai mà không được giải quyết, làm rõ, cứ để đấy thì công lý sẽ ra sao? Vì sao cơ quan nào cũng báo cáo đã làm đúng mà công dân vẫn kêu oan sai, vẫn khiếu nại!

“Cần phải xử lý dứt điểm những vụ việc kéo dài, xử lý trách nhiệm của người đã làm oan sai, đồng thời xử lý cả người giải quyết khiếu nại tiếp tục làm oan sai. Nếu như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan mà xử lý ngay từ đầu, không để oan sai tiếp thì đâu cần đến 10 năm ông ấy kêu oan!” – Ông Đương nói và nêu tình hình “thường những người nhận đơn lại không giải quyết được và cũng không thấy ai có năng lực vào chỗ đó, phải chăng chỉ vì ở đó không có tiền cho họ?!”

ĐB Đương và một số ý kiến đồng tình rằng, cần xử lý người lợi dụng khiếu kiện để gây rối, hoặc đã giải quyết đúng rồi mà vẫn tiếp tục khiếu kiện nữa. “Để ổn định tình hình trong năm 2015, năm có nhiều sự kiện quan trọng, Quốc hội nên sớm ra một nghị quyết về giải quyết KNTC” – Ông Đương kiến nghị.

Khẩn trương ban hành Luật Biểu tình

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý kiến nghị: Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhằm hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Khi thực hiện các dự án ở địa phương cần cân nhắc kỹ ý kiến chính đáng của người dân, xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - công dân - doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, cần “khẩn trương ban hành Luật Biểu tình theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội để làm cơ sở cho công dân thực hiện quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp và làm căn cứ pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, quyền dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật”.

MỚI - NÓNG