Đề Văn hài hước của thầy Văn Như Cương

Thầy Văn Như Cương. Ảnh: VTC News
Thầy Văn Như Cương. Ảnh: VTC News
Trước những thay đổi bất ngờ về cách ra đề thi môn Văn, PGS Văn Như Cương đã thiết kế câu hỏi đọc hiểu hài hước, phê phán cách làm của Bộ GD-ĐT.

Đề thi trong bối cảnh hoang mang

Dựa trên thay đổi của Bộ GD-ĐT về đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2014, thầy giáo nổi tiếng trên mạng xã hội Văn Như Cương (nguyên hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã sáng tạo câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu, trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

“Sắp đến ngày thi tốt nghiệp THPT, học sinh và thầy cô giáo hoang mang vì kiểu ra đề thi mới cho môn Ngữ văn mà Bộ GD-ĐT cương quyết áp dụng. Trong đề thi sẽ có phần đọc hiểu chiểm từ 30% đến 50%.

Sau đây tôi xin nêu một ví dụ về câu hỏi kiểm tra phần đọc hiểu .

Câu 1. Xem đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) ví von “Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan”… “Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” - ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn (nguồn Vietnamnet).

Câu hỏi :

1. Đoạn văn trên thuộc thể loại gì ?

2. Câu ví von “Qua sông………chết oan” có phải là thơ lục bát hay không? Anh /chị hãy sửa một vài từ để nó trở thành câu thơ lục bát mà không thay đổi nguyên ý.

3. Trong câu ví von trên, cái gì được ví với “sông”, cái gì được ví với “đò”, điều gì được ví với “chết oan”?

4. Anh/chị hiểu câu “chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu” như thế nào? Cái gì tiếp cận mục tiêu?

5. Hãy tìm trong văn bản một câu có cấu trúc so sánh và bình luận ngắn gọn về câu so sánh đó!”.

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đề Văn này đã được rất nhiều thành viên chú ý, thậm chí còn thử sức trả lời câu 2: “Qua sông thì phải lụy đò. Chưa qua đã sợ, chỉ trò chết oan!”.

Về đề bài này, PGS Văn Như Cương cho biết: “Đây là cách tôi thể hiện sự phê phán nhẹ nhàng với việc làm đột ngột của Bộ GD-ĐT. Việc Bộ quyết tâm đổi mới phương pháp ra đề thi môn Ngữ văn để tránh cách học cũ là rất hay. Nhưng đến thời điểm này Bộ mới công bố thì quá gấp gáp”.

Thầy Cương cũng cho biết, hiện tại nhiều học sinh, thậm chí là giáo viên còn chưa nắm được thông tin này dù kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã sắp đến gần.

Theo thầy, Bộ GD-ĐT nên để sang năm đổi mới sẽ hợp lý hơn. Như vậy, giáo viên và học sinh đều thoải mái tâm lý và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. Từ đó, học sinh lớp 10, 11 cũng phải sẽ thay đổi cách học và tập làm đề theo hướng mới.

Học sinh như những con chuột bạch

Trước những thay đổi của Bộ GD-ĐT về đề thi môn Ngữ văn, nhiều độc giả Zing.vn cũng tỏ ra rất bất bình về cách làm này và đưa ra những bình luận khá gay gắt.

Một bạn trẻ bức xúc: “Cháu không thể hiểu nổi các bác trên Bộ GD-ĐT muốn gì. Các bác coi chúng cháu như những con chuột bạch để thí nghiệm. Chưa cần xét đề khó hãy dễ, chỉ cần nhìn thời gian các bác báo tin này thôi cũng đã đủ sốc. Học 3 năm liền cũng coi như bằng người bây giờ bắt đầu học”.

Độc giả khác tỏ ra bi quan: “12 năm ăn học bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của, giờ đây sắp đến ngày hái quả, cha mẹ gia đình người thân bạn bè đặt biết bao nhiêu kỳ vọng, vậy mà thay đổi thế này thì phải sống làm sao?

Bộ GD-ĐT không nên lấy tương lai của bao nhiêu con người ra làm thí nghiệm. Chúng tôi không phải là những con chuột. Nếu muốn thay đổi thì phải có thời gian để còn thích nghi và chuẩn bị. Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh đi thi, liệu các vị có đủ năng lực để làm tốt một đề mới không?”.

Mặc dù đồng tình với việc Bộ GD-ĐT quyết liệt đổi mới nhưng Nguyễn Kim Hoàng vẫn tỏ ra băn khoăn: “12 năm học theo kiểu sáo mòn, giáo viên cũng dạy như vậy, chỉ còn 2 tháng là đến kỳ thi làm sao có thể thay đổi được?”.

Bạn Mỹ Hạnh cũng cho rằng: “Trong thời gian gấp rút, thay đổi này sẽ thực sự sẽ tạo tâm lý nặng nề lo lắng cho học sinh, thậm chí khó thích nghi”.

Nhiều độc giả còn dự đoán thông tin này của Bộ GD-ĐT có thể làm cho nhiều thí sinh chán ngán và ngại thi vào khối C, D.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG