Văn hóa dân gian “không xa mà gần”
Văn hóa dân gian gắn liền với các sinh hoạt trong đời sống con người, tồn tại tự nhiên như hơi thở. Những lời ru, điệu hát, câu chuyện cổ, trò chơi… là các hình thái của văn hoá dân gian, không thể thiếu trong đời sống tinh thần con trẻ. Các hình thức để mang văn hóa dân gian gần hơn với trẻ có: (1) văn học, (2) âm nhạc, (3) trò chơi dân gian.
Văn học dân gian dành cho trẻ là những câu chuyện thần thoại giải thích nguồn gốc ra đời của vũ trụ, giúp trẻ nhận thức thế giới tự nhiên như truyện Thần Trụ Trời, những câu chuyện truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc như Lạc Long Quân – Âu Cơ, những câu chuyện cổ tích về các nhân vật hiện thân cho cái thiện – cái ác như Tấm Cám… Đó còn là những bài thơ đồng dao, những câu ca dao quen thuộc, gần gũi về nhân nghĩa, đạo lý trong cuộc sống làm người “Công cha như núi Thái Sơn…”.
Âm nhạc dân tộc là hệ thống các bài đồng dao, dân ca, các bài hát ru, điệu lý ba miền, bài ca các dân tộc… thể hiện bản sắc văn hóa các vùng miền, đi cùng với đó là các nhạc cụ dân tộc
Trò chơi dân gian gắn liền với các bài hát đồng dao như: Chi chi chành chành, Kéo cưa lừa xẻ, Rồng rắn lên mây, Cùm nụm cùm nịu, Úp lá khoai…; hoặc gắn với các hoạt động vận động thể chất khác theo từng lứa tuổi: Chơi năm mười/trốn tìm, chơi chuyền đũa/banh đũa, chơi đánh trận giả, bịt mắt bắt dê…
Các loại hình văn hóa dân gian này từ ngàn xưa vẫn gắn bó với trẻ thơ từ lúc lọt lòng, bên những lời ru nơi chiếc nôi, cánh võng; bên những phút giây con bập bẹ tập nói ca dao, tập đọc đồng dao, vừa chơi vừa hát… cạnh ba mẹ, ông bà cho đến khi đến lớp, nơi có cô thầy dìu dắt, có bạn bè cùng “vừa chơi vừa học”.
Để văn hóa dân gian gần hơn với trẻ trong xã hội hiện nay
Văn hoá dân gian cần tiếp cận với con ngay từ thưở lọt lòng, từ khi bắt đầu tập đi, tập nói. Đó là cách tiếp cận dễ dàng nhất, tự nhiên nhất. Tuy nhiên, nhịp sống đô thị hóa gấp gáp, quỹ thời gian của người lớn dành cho con trẻ càng bị hạn chế. Mô hình gia đình chung sống với ông bà càng ít, gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái phổ biến. Mẹ cũng là lao động chính, phải dành thời gian cho xã hội, công việc nên trẻ con ngày nay có phần thiệt thòi trong việc tiếp nhận văn hóa dân gian ở mốc quan trọng đầu đời.
Mặc dù vậy, việc các thiết bị điện tử phát triển, các hoạt động giải trí đa dạng hơn cũng mở ra những cách tiếp cận mới. Mẹ không trực tiếp bên con cất giọng ru hời thì đã có các nghệ nhân hát ru thay mẹ, trên những đường link Youtube, MP3. Con có thể học hát đồng dao, nghe chuyện cổ tích, xem phim hoạt hình, phim cổ tích từ những kênh mạng xã hội. Con cũng tha hồ đọc truyện tranh, truyện chữ về các nhân vật cổ tích, các anh hùng dân tộc được xuất bản rộng rãi với tranh ảnh minh họa đẹp mắt…
Nơi học đường, nhờ sự giảng dạy lồng ghép tri thức âm nhạc truyền thống, vào tri thức văn hóa dân tộc, con có thể vừa học vừa chơi, để nhân rộng tình yêu văn hóa dân gian. Tại các sân khấu, các trung tâm vui chơi, giải trí, con còn có thể mở rộng tình yêu văn hóa dân gian khi được ba mẹ đưa đi xem những vở kịch, những bộ phim hoạt hình về các nhân vật truyền thuyết, cổ tích Việt Nam. Điều này không chỉ dành riêng cho con mà cho cả ký ức tuổi thơ ba mẹ.
Con cũng có một niềm vui to lớn khác là phần thưởng bé ngoan mà ba mẹ dành khi được tự chọn và ướm chân vào những đôi giày mang hình ảnh sống động của những nhân vật từ chuyện kể dân gian quen thuộc: cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, anh hùng Gióng, cô Tấm hiền ngoan… Mỗi bước chân đi của con là một bước tự hào truyền thống văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, trong bối cảnh xã hội hiện nay, con trẻ hoàn toàn có thể có được khung trời văn hóa dân gian đầy ắp tuổi thơ, không hề kém cạnh tuổi thơ ông bà, cha mẹ, và còn có phần lung linh, sống động hơn nếu các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng cùng chung tay góp sức hành động vì mục tiêu chung là gìn giữ và nâng cao giá trị văn hóa Việt.