Đề thi trăm năm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đúng ngày này của 103 năm trước, nền khoa bảng Nho học kéo dài 844 năm qua các triều đại phong kiến nước ta chính thức chấm dứt, với kỳ thi Đình lần cuối cùng được tổ chức tại cung điện Cần Chánh nhà Nguyễn ngày 15/5/1919. Còn hôm qua, theo "chốt sổ" của Bộ GD&ĐT, có 1.001.011 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngang bằng số lượng năm ngoái.

“Các nước trên khắp hoàn cầu sôi động nói đến văn minh. Vậy hai chữ văn minh có xuất xứ từ sách vở nào?… Quan hệ của văn minh đến chuyện hòa bình hay chiến tranh, hưng thịnh hay suy thoái, phân chia hay hội họp? Vấn đề khai thác và tận dụng lợi thế về tài nguyên… Lối khoa trường cựu học đã bỏ, chuyển sang tân học thì phép tuyển dụng người đã tốt hay chưa? Quốc sự, quốc chính phải thay đổi do đó có nên lập ra Hiến pháp và Hiến pháp khi lập ra có thực hiện được không? Chính sách lập hiến và quyền pháp phải như thế nào? Làm gì để đền đáp sức dân, giúp dân an cư lạc nghiệp, giữ gìn văn minh tiến bộ?". Đọc lại đề bài của kỳ thi Nho học cuối cùng trên, do chính vua Khải Định ra từ hơn trăm năm trước, thấy giật mình. Giật mình, vì cả thế kỷ đã trôi qua, những mệnh đề đó vẫn nóng hổi tính thời sự.

Đó hầu hết vẫn là những từ khóa đang đau đầu tìm lời giải. Văn minh, chiến tranh và xung đột, liên kết và đối đầu, thịnh vượng và suy thoái, tính nghiêm minh của pháp luật, tận thu tận diệt tài nguyên, chiến lược giáo dục, tuyển dụng người tài, đền đáp sức dân, an cư lạc nghiệp…?

Những ngày này, hàng triệu sĩ tử cả nước đang vùi đầu vào đèn sách, luyện "Đất nước" với "Chiếc thuyền ngoài xa", luyện về đạo đức và đạo lý, về lòng dũng cảm với sự thấu cảm, về trung thực và cống hiến,… trong mảng nghị luận xã hội. Chà xát hàng ngàn câu hỏi trong những bộ đề trắc nghiệm tự nhiên, xã hội. Đích đến trước mắt là cánh cổng đại học, mà thực ra thời nay hầu như luôn mở sẵn đón chờ.

Chúng ta sẽ có thêm những bài văn điểm 10 đầy thấu cảm và xúc động. Xúc động, bần thần như khi đọc bức thư đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU mới đây của cậu bé học lớp 9 ở Hà Nội. Chúng ta lại sẽ có những thủ khoa đạt điểm tuyệt đối với những bài thi không để lại bất kỳ sơ suất nào.

Nhưng sơ suất nào, khiến những câu hỏi từ hàng trăm năm trước, đến giờ vẫn bức bách buộc ta phải trả lời? Dù từ cậu học trò lớp 9 đã có đầy đủ hiểu biết và năng lực để viết ra một cách sâu sắc và thấu đạt, lời kêu gọi hãy cứu lấy thế giới, cứu lấy con người!

Bảy vị Tiến sĩ cuối cùng của nền khoa cử Nho học tên tuổi nay còn lưu lại trên bia đá Văn Miếu tại cố đô Huế. Như những dòng tên trên bảng vàng khoa cử ngàn năm chưa mờ công trạng, đức độ từng người. Trong khi mới đây, một "lò ấp" trung bình mỗi ngày cho ra đời 1 tiến sĩ đã bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm làm rõ sai phạm.

Có những đề thi cả trăm năm vẫn còn tìm lời giải.

MỚI - NÓNG