Để rừng Đắk Lắk bị tàn phá, giám đốc khu bảo tồn nhận trách nhiệm

Hiện trường một vụ phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
Hiện trường một vụ phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
TPO - Sau khi xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn trên lâm phần quản lý, ông Lê Minh Tiến- Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) thẳng thắn nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Sáng 24/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tiến cho biết, toàn bộ vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Ea Kar điều tra xử lý theo quy định. Về phía ban quản lý, ông Tiến cũng yêu cầu lực lượng bảo vệ rừng tại trạm kiểm lâm số 4, số 5 (gần hiện trường vụ khai thác gỗ) viết tường trình vì sao rừng bị phá nhưng không biết, không báo cáo. Còn việc có hay không, cán bộ tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc phá rừng, phía công an đang điều tra. Riêng bản thân, ông Tiến nhận trách nhiệm của người đứng đầu.

“Tôi mới về nhận công tác hơn 1 tháng. Khi nhận tin báo của người dân, tôi lập tức lên đường bất kể ngày nghỉ. Nhìn cảnh rừng bị phá, là người làm công tác bảo tồn, tôi rất xót xa. Việc để mất rừng, là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm. Tôi rất muốn làm rõ sự việc này để răn đe, cảnh báo những người vi phạm”, ông Tiến nói.

Để rừng Đắk Lắk bị tàn phá, giám đốc khu bảo tồn nhận trách nhiệm ảnh 1Công an vào cuộc, điều tra vụ phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Vị giám đốc cho biết thêm, Khu BTTN Ea Sô nằm giáp ranh với tỉnh Phú Yên, Gia Lai nên chịu rất nhiều áp lực trong công tác bảo vệ rừng. Rừng bị phá chủ yếu nằm ở khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn. Do đó, ông Tiến kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục làm việc với tỉnh Gia Lai, Phú Yên về việc xây dựng duy trì quy chế phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Thực tế, các năm qua, quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa 3 tỉnh đã có. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các bên chỉ có khi có xảy ra phá rừng… như vậy sẽ bị động, không bảo vệ kịp thời.

 Theo ông Tiến, cần chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa bão, dịp tết. Ông Tiến cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk sớm bố trí kinh phí xây dựng đường tuần tra trong Khu BTTN Ea Sô. Việc này, tỉnh đã có quyết định đầu tư từ giai đoạn năm 2016-2020 nhưng chưa bố trí được vốn. Từ trước đến nay, mỗi khi tuần tra hoặc  phát hiện vụ phá rừng giáp ranh, kiểm lâm phải đi đường vòng từ Đắk Lắk sang Phú Yên, Gia Lai, mất rất nhiều thời gian…

Trước đó, báo Tiền Phong từng phản ánh nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại Khu BTTN Ea Sô. Vụ mới nhất, xảy ra vào ngày 14/11/2020, lâm tặc cắt xẻ 81 cây gỗ quý tại tiểu khu 618 và 622 do Khu BTTN Ea Sô quản lý. Tuy nhiên, hầu hết vụ việc đều không tìm ra thủ phạm.

MỚI - NÓNG