Tranh Nguyễn Xuân Hoàng. |
Rừng dừa bảy mẫu xã Cẩm Thanh, Hội An (Quảng Nam) hằng ngày vẫn vang vang giọng hát hò khoan của lão ngư Phạm Đúng (64 tuổi). Ông nổi tiếng khắp vùng vì tài nghệ hát Kiến tại, một lối hát của hát hò khoan ứng đáp ngay tức thì đầy thông minh, dí dỏm.
Hát hay, nhiều bạn
Băng qua tuyến đường bê tông hai bên bát ngát dừa xanh dẫn về Cẩm Thanh, hỏi nhà ông Đúng ai cũng biết. Cái tên dân làng hay gọi là Ba Đúng đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Lối nhỏ dẫn vào nhà ông rợp bóng dừa, ngôi nhà xinh xắn, ngăn nắp hướng ra nhánh sông Thu Bồn chảy về Cửa Đại lồng lộng gió trời.
Ba Đúng dáng người vạm vỡ, trán cao mặt vuông vắn, da hồng hào, luôn cười nói bằng chất giọng Cẩm Thanh chính gốc khó lẫn, vồn vã ra chào khách. Ba người con trai vừa kết thúc chuyến đi biển về, ông cười tươi: “Được mùa cá tôm nên phấn khởi lắm. Phấn khởi nên hát hò cũng hay!”.
Không để chúng tôi tiếp lời, ông ngẫu hứng hát một bài tặng khách: “Hô khoan.. hô khoan hỡi… hò khoan…Mấy anh mấy chị phương xa, bỏ công bỏ việc đến nhà thăm tôi. Quê tôi chẳng có gì sang, rừng dừa bảy mẫu rợp hàng màu xanh…”. Rồi ông cười vang: “Tôi hát thế đó. Hát đó rồi quên đó. Hát xong không nhớ mình hát gì”.
Một tính cách dí dỏm, vui vẻ, phóng khoáng yêu đời ai cũng dễ nhận ra khi ngồi nói chuyện với Ba Đúng. Phong cách của người dân miền sông nước. Bởi thế, ông nổi tiếng và bạn bè ông đông đúc. Từ lãnh đạo thành phố Hội An đến dân cày bừa, dân chài, xe ôm xích lô ai ông cũng quen và chơi vui vẻ. Trong ngôi nhà ông treo nhiều những bằng khen giấy khen của tỉnh, của thành phố cho những đóng góp của ông trong việc gìn giữ văn hóa phi vật thể.
“Đúng. Tôi là Ba Đúng, người độc nhất của tỉnh Quảng Nam và miền Trung hát Kiến tại giỏi. Hát Kiến tại đời tôi không còn có đối thủ!” - Ông Đúng khẳng khái. Ba Đúng kể lại rằng, năm 24 tuổi ông đột nhiên biết hát Kiến tại. Cái tên Kiến tại là người ta đặt tên sau này.
Lúc đầu ông hát chỉ để thỏa chí tang bồng ngày ngày lên đênh sống nước, hát để giao lưu bạn bè trong những cuộc rượu, sau những ngày ra khơi đánh cá. Hát đối đáp trai gái trong vùng vào những đêm trăng thanh. Nhưng có điều lạ, mọi người hát dựa trên những bài hát đã có sẵn, những câu chữ thuộc làu, còn ông hát theo lối ngẫu hứng. Đầu óc nghĩ ra gì hát cái đó. Dần dần ông trở nên nổi tiếng với lối hát này.
Tài nghệ hát Kiến tại của Ba Đúng nổi tiếng khắp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Năm 1993, ông giành Huy chương vàng tại liên hoan hát hò khoan ứng đáp và nhiều huy chương khác trong các cuộc thi sau đó. “Đừng nói là tôi nổi tiếng, tôi hát để thỏa thú vui. Trời đất phú cho tôi giọng hát. Hát vài ba năm nữa rồi cũng về với cát bụi cả thôi. Cuộc đời ngắn lắm, tôi ước chi về lại thời trai trẻ như các bạn để thỏa sức hát cho mọi người”, Ba Đúng hào sảng.
Ông Đúng say sưa hát đãi khách. |
Cuối năm 2010, Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã tặng bằng khen cho ông Phạm Đúng vì thành tích xuất sắc góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam. Với ông đó là một niềm vinh, niềm tự hào vô bờ bến.
Thời trai oanh liệt
“Hôm nay hát thế này mai hát thế khác. Đời tôi vui vẻ hát hò. Bởi thế dẫu trong nhà hết sạch gạo nhưng người ngoài không ai hay. Vui vẻ đẻ ra tiền, buồn phiền sinh ra bệnh mà”, ông Đúng dí dỏm. |
Nhắc đến chuyện trai trẻ, bà Đặng Thị Liên, vợ ông Đúng nãy giờ ngồi nghe chồng nói chuyện, tiếp lời: “Hồi kia ông ấy lắm đám, lắm mối lắm. Mồm mép, hát hò nên lắm cô mê…”. Cái tài hát hò, tính cánh vui vẻ của ông Đúng ngày xưa cũng đã làm bà Liên mê hồn. Người con gái phố Hội ngày đó mới tuổi đôi mươi một lần về rừng dừa bảy mẫu tình cờ nghe giọng hát của chàng trai Ba Đúng đối đáp sắc sảo, điêu luyện với những bậc cha chú đã đem lòng yêu quý.
Lân la nhiều lần cô gái ấy mới làm quen được với chàng trai. “Nghe cái tên thôi tôi đã ấn tượng rồi. Nghe hát tôi lại càng mê”, bà Liên cười nói. Tình yêu nảy sinh từ câu hát của chàng trai Ba Đúng. Ngày đó phong trào hát đối đáp ứng khẩu còn phổ biển. Chính chàng trai Ba Đúng đã đánh bật nhiều đối thủ có ý với cô gái phố Hội bằng chính những câu hát của mình. Hai người nên vợ nên chồng và có với nhau 7 người con, 5 trai 2 gái.
Ông Phạm Đúng vui vẻ bên vợ kể chuyện ngày xưa. |
“Cái sướng của tôi là con cháu đuề huề. Vợ chồng già không còn đi biển nữa nhưng thấy vui khi con cháu đang dần trưởng thành. Ai cũng bảo tôi trẻ. Tôi đi hát bà ấy không nói ra nhưng tôi biết bà lo tôi có bồ bịch. Nhưng tôi không có tính đó. Hát tán tỉnh có chăng cũng để cho vui. Mình còn để con cháu nhìn mặt chứ”.
Buồn vô đối
Hỏi không có đối thủ ông có buồn không, Ba Đúng: “Buồn lắm. Đời không có đối thủ thì không còn ý nghĩa. Như đi tán gái, không có đối thủ thì tình yêu cũng bớt đi thi vị nhiều. Ước chi có người so tài, thỏa sức hát đối đáp thì sướng biết mấy. Từng có bà Tài (72 tuổi) một nghệ nhân hát Kiến tại nổi tiếng đến thi tài năm tôi 46 tuổi. Kiến tại của bà xô không được tôi. Bà Tài đã mất giờ thì cả đất Quảng Nam tôi không còn đối thủ. Nhiều người đến thi nhưng tôi chỉ hát Kiến tại cỡ 10% là đủ thắng”.
Ông Ba Đúng cũng kể cho chúng tôi, ngày xưa hát hò khoan Kiến tại phát triển mạnh. Với nhiều cách chơi thú vị. Kiểu hát Kiến tại thô tục, chọc ghẹo nhau cũng có, Kiến tại thi đấu thắng thua có thưởng thậm chí là thưởng lớn cũng có. Hát Kiến tại trong đám ma, lễ cúng giỗ chạp cũng có. Nhưng hầu hết hát dựa trên câu chữ đã có sẵn. Nhưng ngẫu hứng đối đáp, kể chuyện, tâm tình như ông thì không được mấy người.
Thấy ông hát Kiến tại hay, con cháu trong nhà học tập nhưng cả 7 người con không ai học được. Viết lại những câu hát của cha mình ra giấy rồi hát theo may ra hát được. Nhưng để hát theo lối ngẫu hứng, động đâu hát đó, hát rồi quên, nay hát kiểu này mai hát kiểu khác như ông thì không được.
Anh Phạm Minh (33 tuổi) con trai thứ 3 của ông Đúng, thừa nhận: “Thấy ông già hát hay, vui vẻ được nhiều người yêu mến tôi và mấy anh em cũng thử nhưng không được. Đọc giấy hát may ra mới hát được. Chứ như ông ấy thì chịu. Câu chữ, nhịp điệu cứ như mạch nước cứ thế tuôn trào vậy”.
Chia tay ông khi trời xế chiều dòng sông lộng gió, Ba Đúng lại vồn vã: “Các anh chị cho tôi gửi lời thách đấu tới mọi người. Ai có dịp về Hội An xin ghé tôi thi hát. Chuyện hơn thua không quan trọng. Thỏa sức hát để cuộc sống thêm vui là điều tôi muốn nhất”.
Giữa bát ngát rừng dừa bảy mẫu, văng vẳng bên tai tiếng hát hò khoan…
Hát ngang đối đáp ngay Thuộc điệu hò khoan xứ Quảng, Kiến tại là lối hát ứng khẩu, hát ngang đối đáp ngay những sự kiện, tình huống xảy ra tại chỗ chứ không có chuẩn bị trước. Hò khoan đạt đến đẳng cấp này rất hiếm. Nhà thơ Tường Linh (quê gốc Trung Phước, Nông Sơn – Quảng Nam, hiện đang sinh sống tại TP HCM) trong bài viết “Điệu hát hò khoan Đại Lộc”, nhớ lại một cuộc hát Kiến tại từ hơn 60 năm trước giữa bác Ảnh và cô Lụa – hai nghệ nhân lừng danh đất Đại Lộc.
“Bác Ảnh hát trước: “Ớ... ớ khoan hố hợi là hò khoan... Xin chào người ở đất Duy Xuyên/ lên chơi Trung Phước hữu duyên chăng là/ hữu duyên thì hãy kết cùng qua/ (chứ) ông Tơ với bà Nguyện vốn là chỗ quen/ (như qua đây) có trăng lại có thêm đèn (*)/ đời ta thêm sáng họ khen em nhiều/ tánh qua chỉ thích lụa điều/ ảnh qua (mà) bọc lụa mỹ miều... Lụa ơi! Hố khoan hố hợi...”. Cô Lụa hát đáp ngay: “Khoan ớ khoan... Quen miền Trung Phước em lên chơi/ non xanh nước biếc (lại) lắm người tài ba/ Anh về kiểm lại trong nhà/ mấy trai mấy gái (thêm) một bà uy nghi/ miệng thế gian lắm tiếng thị phi/ hai tay bắt cá thường khi (bị) té nhào/ róc cau lo róc nhiều vào/ lụa điều chỉ bọc ảnh nào... độc thân... Hố khoan hố hợi là hò khoan...”. Tôi hết sức thán phục vì nghe nói rằng mấy ông thi sĩ làm bài thơ phải có giấy bút, phải nháp, xóa, sửa đi sửa lại, đằng này bốn vị hát hò khoan Kiến tại là hát ngay, không chuẩn bị gì cả. Quá giỏi !” |