Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt cho tới khi Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này được sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Trong văn bản đề nghị này, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trước đó, vào tháng 8/2018 Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt (gọi tắt đặc khu kinh tế-PV).
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay dự thảo Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua, nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.
Theo tỉnh Kiên Giang đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.
Hơn nữa, theo Luật Quy hoạch việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện nay đã vượt quy hoạch được duyệt. Nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, sẽ vướng mắc trong quá trình thu hút kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án đầu tư.
Hết muốn lên thành phố biển đảo nay lại muốn thành khu kinh tế
Trước đó, vào tháng 4/2019 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng có tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ.
Lý giải về việc xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…
"Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, vùng miền trong cả nước... Mặt khác, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút dầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội", tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ.
Tại tờ trình trên, UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, huyện đảo Phú Quốc từng được định hướng xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt nên chưa có cơ sở thành lập.
Cho nên, UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn thành lập thành phố Phú Quốc và khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt thì tỉnh Kiên Giang sẽ đề xuất thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở thành phố Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị được áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với tư vấn nước ngoài trong việc trong việc lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ như: Bộ Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư có ý kiến bằng văn bản đối với đề nghị trên của tỉnh Kiên Giang.