Hội nghị có sự tham gia của Tổng Cục du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo UBND, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi; các hãng hàng không, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…
Các đại biểu trao đổi ý kiến, bàn giải pháp phục hồi du lịch. |
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin cho người làm trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh mới đạt gần 30%.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch TP. Hội An nói rằng địa phương rất mong mỏi mở cửa đón khách du lịch, nhưng làm sao phải đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh.
Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, đông đảo du khách chọn phố cổ Hội An làm điểm tham quan yêu thích. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân yêu cầu các địa phương trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là thành phố Hội An đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn khi mở cửa đón khách du lịch.
“Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho ngành du lịch. Tỉnh sẵn sàng cung cấp đầy đủ đảm bảo không thiếu vắc xin cho Hội An. Địa phương lên phương án để triển khai”, ông Tân nói. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế phối hợp cùng các địa phương tăng cường tiêm vắc xin cho các điểm du lịch, người dân ở các khu du lịch và tiêm đại trà để đảm bảo độ phủ vắc xin.
Ngoài ra, ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch tập huấn đào tạo cho nhân lực du lịch để có thể xử lý khi có tình huống xảy ra đảm bảo an toàn khi mở cửa.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, để khôi phục mở cửa du lịch thì an toàn là yếu tố hàng đầu. Quảng Nam cũng như các địa phương xem xét mở cửa theo lộ trình.
Tỷ lệ tiêm vắc xin, nhất là đối với người dân và người lao động trong ngành du lịch là rất quan trọng, tuy nhiên tại Quảng Nam tỷ lệ này chưa cao.
Ông Khánh cũng lưu ý, tỉnh Quảng Nam cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lao động trong ngành du lịch; cơ chế miễn hoặc giảm phí tham quan, xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch mới phù hợp.
Song song với đó, địa phương chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thu hút người lao động trong ngành du lịch quay trở lại làm việc; đào tạo kỹ năng đáp ứng nhu cầu trong điều kiện mới; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch.
“Vừa qua tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL về việc lùi sự kiện đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 sang năm 2023. Về vấn đề này, đề nghị Quảng Nam xem xét lại, bởi năm 2022 là năm tập trung, đẩy mạnh phục hồi du lịch, do đó sự kiện này cũng là bước rất cần thiết”, ông Khánh nói.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch lưu ý cần sự liên kết giữa các ngành, các địa phương và trong vùng, đặc biệt tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế cần tăng cường liên kết, để phục hồi và phát triển du lịch.