Bộ GTVT cho biết, dự kiến ngày 28/4, Tư vấn ACT (của Pháp) sẽ cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau khi 16 khuyến cáo của tư vấn đã được các bên liên quan thực hiện, hoặc cam kết thực hiện.
Cùng với đó, Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình và đang thực hiện kiểm đếm, chuyển giao hồ sơ và các công việc phục vụ cho công tác bàn giao với Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành khai thác).
Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu hoàn thành dự án, chứng nhận an toàn hệ thống, ý kiến của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội về 16 khuyến cáo của tư vấn ACT, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình của chủ đầu tư.
Bộ GTVT cũng đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, để kịp thực hiện việc bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5/2021, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Bộ GTVT, trong 16 khuyến cáo của Tư vấn ACT liên quan tới an toàn khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, có 6 khuyến cáo liên quan tới giai đoạn khai thác thương mại, cần có sự phối hợp thực hiện của UBND TP Hà Nội. Phía Hà Nội đã có văn bản về việc phối hợp thực hiện các khuến cáo này khi dự án vận hành.
Với các khuyến cáo còn lại của Tư vấn ACT, Bộ GTVT cho biết, đã có văn bản chấp thuận để làm cơ sơ cho tư vấn đưa ra báo cáo đánh giá cuối cùng, làm cơ sở nghiệm thu và bàn giao dự án cho Hà Nội khai thác.
Trước đó, từ ngày 31/3, Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội đã kiểm đếm, bàn giao hồ sơ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, để khi dự án đạt điều kiện về an toàn, nghiệm thu sẽ thực hiện bàn giao giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, và đưa tuyến đường sắt này vào khai thác ngay.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, ban đầu dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016, nhưng chậm tiến độ nhiều lần cho tới nay. Tuyến đường sắt này dài hơn 13km, với 12 ga đi trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đố vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 198,4 triệu USD. Dự án thực hiện theo hợp đồng EPC, do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu.