Khó phân biệt khách công, khách tư
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, luật cần mở rộng các hình thức khoán chi như xăng xe, tiếp khách. Bà Huệ đề xuất, có thiết chế bắt buộc đối với các đối tượng đi xe công được nhận tiền khoán xăng xe hằng tháng thống nhất cả nước. “Nên mạnh dạn khoán cả chi tiếp khách cho đối tượng có thẩm quyền tiếp khách vì trên thực tế hiện nay, rất khó xác định khách nào thuộc phạm vi khách công, khách nào là khách cá nhân”, bà Huệ nói. Bà cho rằng, hình thức khoán này phải đi cùng với cơ chế gắn với hiệu quả công việc.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, sửa luật lần này là cơ hội để cải cách nền tài chính công. Theo ông Lịch, chúng ta duy trì quá lâu ngân sách nhà nước lồng ghép giữa trung ương và địa phương, dẫn đến hệ quả là không minh bạch giữa ngân sách trung ương và địa phương, tạo ra cơ chế xin - cho. Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, mà nhiều người nói ngân sách Việt Nam là “ngân sách mềm”, mềm đến mức độ tùy tiện do tồn tại nhiều quỹ ghi thu, ghi chi. “Có những khoản Chính phủ đi vay rồi cho ai vay không biết, nhưng đến kỳ trả nợ thì đưa ra QH. Thiếu kỷ cương ngân sách khiến cho việc sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả. Cơ chế lồng ghép, ngân sách địa phương nhưng tính tự chủ của địa phương không có. Địa phương, HĐND không biết cái gì của mình, chỉ quyết cái người ta đã quyết. Địa phương không tự chủ động khai thác nguồn thu và sử dụng hiệu quả nguồn đó. Ngoài ra, quy trình thiết lập ngân sách từ HĐND đến QH là thụ động”, ông Lịch nói.
ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) đề nghị, luật cần phản ảnh đúng những khoản nợ phải trả của ngân sách. “Một số doanh nghiệp vay nợ có bảo lãnh của Nhà nước, khi không trả được, Nhà nước phải trả nợ thay. Hay các khoản vay từ nước ngoài chưa được QH kiểm soát tổng thể, nhưng khoản trả nợ QH vẫn phải thông qua. Do vậy, QH phải được quyền kiểm soát tất cả các khoản vay và bảo lãnh này”, ông Tân nói.
Không nên ứng trước ngân sách
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay ngân sách chưa bao quát hết các nguồn thu như thu từ đầu tư ra nước ngoài, cổ tức doanh nghiệp. Luật sửa đổi chưa bao quát tối đa các khoản thu, việc quản lý thu chi vẫn như cũ. “Tổng chi ngân sách quá cao làm thâm hụt NSNN chứ không phải nguồn thu thấp. Quy định rõ chi phải có dự toán, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình”, ông Hùng nói.
Trong việc thu phí, lệ phí, các đại biểu cho rằng, cần xác định rõ phí nào thuộc nguồn thu ngân sách, phí nào không thuộc nguồn thu ngân sách. Hiện nay, nhiều khoản thu, chi chưa được kiểm soát. “Cần có quy định để thu hẹp các quỹ này, có báo cáo hằng năm trước QH về tình hình hoạt động. Việc lập các quỹ ngoài ngân sách phải do QH quy định”, ĐB Lê Văn Tân nói. ĐB Phạm Huy Hùng đề nghị cần thu hẹp các quỹ quản lý ngoài ngân sách và không nên có quy định ứng trước ngân sách.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc cho phép chi chuyển nguồn lớn đã làm sai lệnh số thực chi mà QH quyết toán. “Cho chạy thông một số nhiệm vụ thì năm ngân sách không còn ý nghĩa. Số chi chuyển nguồn ngày càng lớn, chiếm hơn 1/4 tổng chi ngân sách nhà nước”, ông Thụ nói. Ngoài ra, việc cho ứng trước dự toán dẫn đến số bội chi ngân sách nhà nước không còn ý nghĩa. Trong khi Hiến pháp quy định mọi khoản thu chi đều phải được dự toán, do vậy không nên cho phép ứng trước dự toán năm sau.
Để quyết định ngân sách tốt hơn, ĐB Trần Du Lịch đề nghị thay đổi lại cách làm ngân sách. Theo đó, tại kỳ họp giữa năm, QH thảo luận việc phân bổ ngân sách, xem hỗ trợ những lĩnh vực, địa phương nào. “Chính phủ sẽ dựa theo khuôn mẫu đó để thực hiện. Đến cuối năm, QH sẽ xem lại, khoản nào cần tăng, khoản nào cần giảm”, ông Lịch nói.