Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị tách Điều 13 dự thảo Chính phủ trình thành các điều riêng quy định cụ thể về bố trí lực lượng, thủ tục thành lập và các vấn đề có liên quan đến bố trí lực lượng...
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tách Điều 13 thành 3 điều luật riêng (Điều 14, Điều 15, Điều 16); bổ sung quy định rõ hơn về bố trí lực lượng, chức danh, công nhận chức danh, thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) bảo đảm chặt chẽ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. |
Về số lượng tổ bảo vệ ANTT cần thành lập, số lượng tối đa tổ viên tổ bảo vệ ANTT, số lượng từng chức danh của tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định bảo đảm phù hợp với tình hình ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và theo tiêu chí do HĐND cấp tỉnh quy định.
Ông Lê Tấn Tới cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng này để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, không phát sinh thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thành lập tổ và công nhận các chức danh của tổ bảo vệ ANTT; rà soát chức năng, nhiệm vụ để không chồng chéo với các lực lượng khác và bảo đảm tính khả thi...
Dự thảo luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tiễn để quyết định số lượng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Chi trả khoảng 3.570 tỷ đồng mỗi năm
Về kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như tờ trình dự án luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.
Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới, tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH đã “đề nghị Chính phủ chỉ đạo tính toán đầy đủ, cụ thể (nhân lực, vật lực, tài lực) và đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí và khả năng đảm bảo để báo cáo UBTVQH, Quốc hội” và Chính phủ đã có báo cáo gửi UBTVQH.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay trong toàn quốc có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Thực hiện quy định hiện hành, các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).
Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT thì với 84.721 tổ bảo vệ ANTT thì cần có ít nhất 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.
Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.
Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 14, Điều 23 và Điều 26 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.