Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:
Giải quyết bằng thương lượng, hòa giải
Ông Trần Hữu Huỳnh.
Cách đây 20 năm, vấn đề hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế cũng đã được đặt ra, bước đầu thu được một số kết quả. Nhưng nhìn cả quá trình, vấn đề này vẫn rất dai dẳng, không phải cá biệt. Việc hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế khiến những người liên quan bị thiệt hại cả về vật chất, tinh thần, sự nghiệp. Ðồng thời, gây mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN) đối với hệ thống pháp luật, tư pháp và cả hiệu quả quản lý nhà nước; Làm cho người dân, DN không tin tưởng khi bỏ vốn kinh doanh; Nhà đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm về môi trường pháp luật của nước ta.
Các vi phạm hành chính về trật tự kinh tế, các tội phạm kinh tế nên được quy định cụ thể trong các luật kinh tế… Ngoài ra, để hạn chế oan sai, không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế, cần phải đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, truy tố, xét xử) để giám sát lẫn nhau, bảo vệ công lý, đưa lại công bằng.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
Khi xảy ra tranh chấp kinh tế giữa các DN với nhau, biện pháp tốt nhất là giải quyết bằng thương lượng trực tiếp, hoặc thông qua tổ chức trọng tài, tòa án. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan và khách quan nên việc giải quyết tranh chấp hiện nay chưa hiệu quả. Hầu hết các vụ án chậm giải quyết, không thi hành được án hoặc khi thu hồi được tài sản thì tài sản đã hư hỏng, mất giá trị.
Tôi cho rằng, song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ công quyền thực sự có tâm, có đức, có trách nhiệm, luôn lấy lẽ công bằng làm kim chỉ nam trong xử lý các vụ việc phát sinh.
Nhân đây chúng tôi xin tiếp tục kiến nghị các vi phạm hành chính về trật tự kinh tế, các tội phạm kinh tế nên được quy định cụ thể trong các luật kinh tế… Ngoài ra, để hạn chế oan sai, không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế, cần phải đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, truy tố, xét xử) để giám sát lẫn nhau, bảo vệ công lý, đưa lại công bằng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
DN đừng mang hình sự hóa áp đặt với bạn hàng
Ở nước ta, nhiều trường hợp quan hệ dân sự bị hình sự hóa, hơi căng thẳng một tí là nhờ công an vào cuộc. Từ đó, tạo ra những căng thẳng không đáng có trong quan hệ dân sự giữa các DN. Ðã là DN, doanh nhân kể cả làm ăn nhỏ lẻ đều phải hiểu biết pháp luật. Bản thân hợp đồng là văn bản pháp quy quan trọng nhất để 2 DN làm việc với nhau, dựa vào đấy mà quyết định. Thế nhưng, khi hình sự hóa lại biến các DN thành tội phạm nọ, kia... làm mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn. Bản thân DN không muốn mình bị hình sự hóa thì đừng mang hình sự hóa áp đặt với bạn hàng của mình.
Ông Trần Văn Nghĩa.
Ông Trần Văn Nghĩa - Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Nhân sự - Marketing Cty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (Cty Ích Nhân):
Xây dựng thương hiệu và bảo vệ tốt thương hiệu
Suốt gần 4 năm qua, nhãn hiệu Bảo Xuân của Cty Ích Nhân (đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Cục SHTT, Bộ KH&CN - cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) bị cơ sở Ngân Anh (Hậu Giang) làm nhái nhãn hiệu, thậm chí còn lôi nhau ra tòa. Thật trớ trêu, phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang chấp nhận đơn khởi kiện của cơ sở Ngân Anh vì cho rằng hai sản phẩm này không giống nhau. Chỉ đến phiên phúc thẩm, Cty Ích Nhân mới thắng kiện.
Ông Trần Văn Nghĩa, Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Nhân sự - Marketing của Cty Ích Nhân chia sẻ, thiệt hại đối với công ty ước tính hàng tỷ đồng sau vụ kiện trên. Do đó, Ích Nhân rút ra bài học sâu sắc là vừa phải sản xuất sản phẩm chất lượng và xây dựng được thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vừa phải nắm chắc trong tay luật pháp, quyết liệt hơn trong việc bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Ông Quách Thành Lực.
Luật sư Quách Thành Lực – Ðoàn Luật sư TP Hà Nội:
Cần loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Chính phủ cần xóa bỏ tình trạng lợi ích nhóm, những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo, không cần thiết, thiếu thực tế. Ðồng thời, loại bỏ tư duy lập pháp cấm, quản ngặt nghèo, không quản được thì cấm. Thay vào đó phải có tư duy lập pháp tạo hành lang pháp lý an toàn cho kinh tế phát triển.
Các chủ thể kinh doanh nhỏ lẻ chiếm đa số nhưng thiếu hiểu biết về quy định pháp lý thì pháp luật quy định những hạn chế nghiêm ngặt càng khiến bộ phận này dễ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên đối với những DN lớn, DN nước ngoài hoạt động ở Việt Nam thì các kẽ hở trong văn bản quy phạm pháp luật lại quá nhiều để họ lợi dụng. Hoạt động chuyển giá của Coca Cola khiến ngành thuế thất thu nhiều triệu đô nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống hành pháp, tư pháp bất lực không thể xử lý, thu hồi.
Chủ quán cà phê Xin Chào (Bình Chánh, TPHCM) là một trong những nạn nhân điển hình của việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ảnh: Việt Văn.
Lực lượng hành pháp không đủ sức để xử lý, hoặc xử lý không đến nơi đến chốn nạn hàng giả, hàng nhái, sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. Ðiều này khiến cho DN làm ăn chân chính bị thiệt hại, triệt tiêu những sáng tạo, sáng kiến kinh doanh, phát triển sản phẩm mới; thúc đẩy tư tưởng kinh doanh mánh lới, chụp giật phát triển. Nhiều DN cảm nhận rằng kinh doanh chụp giật, bể nổi mới là phù hợp với điều kiện môi trường kinh doanh hiện tại. Tôi đã từng tiếp xúc với một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, họ chia sẻ không dám thông tin cho cơ quan chức năng về sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái do họ không tin vào cơ quan chức năng có thể dẹp, loại bỏ, xử lý triệt để được các cá nhân, tổ chức làm giả. Thậm chí khi thông tin sản phẩm mình bị làm giả còn gây hiệu ứng xấu cho sản phẩm của mình trong tâm lý người tiêu dùng - sản phẩm của công ty này có hàng giả tốt nhất không dùng.