Thưa ông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ năm 2016 là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, giám sát việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp. MTTQ sẽ làm gì để công tác bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng?
Theo quy định của Luật Bầu cử thì MTTQ có trách nhiệm về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, MTTQ có trách nhiệm làm thế nào có thông tin đầy đủ về nhân thân người đó để cử tri biết được. Phải có thông tin người đó ở nơi cư trú sinh hoạt như thế nào, quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao; Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng Bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.
Nếu có những băn khoăn về phẩm chất, đạo đức của ứng cử viên ở địa phương cũng như phẩm chất, đạo đức trong công việc, kinh doanh, về lý lịch và thân nhân của người được giới thiệu, MTTQ phải giúp ứng cử viên đó nói rõ cho cử tri hiểu vấn đề. Hay nói cách khác, nếu những sai sót lẽ ra có thể thấy trước trong việc chuẩn bị ứng cử viên thì MTTQ phải góp phần cố gắng không để xảy ra sai sót. Quyết định lựa chọn là của người dân và MTTQ cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện để người dân quyết định trong việc này.
Ông từng nói, nguồn tài nguyên không cạn kiệt của nước ta chính là gần 100 triệu người dân với khả năng sáng tạo. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực này, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay?
Theo thống kê, tổng sản phẩm nội địa (tính theo đầu người) của Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 10 nước ASEAN. Nhưng năng lực sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng thứ 4. Chứng tỏ rằng chúng ta có một lợi thế về sáng tạo. Cho nên muốn phát triển đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam. Vừa qua chúng ta có nhiều chính sách chung để phát huy nguồn lực con người. Nhưng sắp tới có lẽ không phải chỉ chính sách của Nhà nước nữa mà mỗi địa phương cần quan tâm phát huy con người, phát huy nhân tài. Mỗi tổ chức cần tham gia vào đây để hình thành lớp người trẻ chủ chốt. Và đã đến lúc Mặt trận phải bàn với các ngành, đoàn thể để từ những sáng tạo của ngành dọc, địa phương hình thành một phong trào sáng tạo cả nước.
Hiện nay đất nước chúng ta đang có quan hệ quốc tế rộng rãi và sâu sắc. Chúng ta có các đối tác chiến lược, có các hiệp định thương mại tự do với những nền kinh tế lớn, quan trọng nhất thế giới. Và cũng chưa bao giờ cộng đồng kiều bào Việt Nam về nước nhiều như bây giờ, gắn bó như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ thách thức lại lớn đến thế. Giữa bối cảnh đó, chúng ta chấp nhận thời cơ và thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy con người, phát huy nội lực vượt qua thách thức. Định hướng phát triển theo Đại hội lần thứ XII của Đảng chính là nền tảng để chúng ta có cơ hội biến những khả năng thành hiện thực, biến những may mắn từ tiềm năng thành hạnh phúc cho mình. Tôi tin rằng, năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước. Một năm khỏe hơn, thành công hơn, may mắn hơn, hạnh phúc hơn với mỗi người dân và mỗi gia đình Việt Nam trong nước cũng như trên thế giới.
Nói không với văn hóa kiếm tiền từ thực phẩm bẩn
Đảm bảo an toàn thực phẩm đang là vấn đề xã hội rất quan tâm. Với kinh nghiệm từ những chương trình giám sát trong năm 2016, ông có thể cho biết thêm về việc triển khai chương trình giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2016?
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là bức xúc của người dân Việt Nam. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xem là một “cái nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước cũng là “cái nợ” của MTTQ với nhân dân. Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc, phải nói một cách chân tình là như vậy. Điều đó trái với văn hóa của người Việt.
Chúng ta thường nói “thương người như thể thương thân”, nhưng ở đâu đó trong câu chuyện này vẫn có việc người không thương người. Biết là độc mà vẫn bán thì chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hoá kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Không được phép làm việc đó. Việc này phải làm cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: “Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hóa thì không được làm những việc trái với văn hóa là sản xuất không an toàn”.
Thời gian qua chúng tôi đã bàn sơ bộ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hóa, theo đó từ nay trở đi, nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Làm nghiêm việc này chắc chắn tỷ lệ gia đình văn hóa sẽ giảm xuống không phải 85, 86 % mà còn xuống nữa nhưng cũng nên chấp nhận để làm rõ hiện thực này. Đối với hàng nhập khẩu, chúng ta có đủ cơ quan chức năng để giám sát hàng nhập khẩu, không thể để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam. Đồng thời cũng phải có một cuộc vận động với những người chế biến. Đó là người Việt Nam không cung cấp món ăn Việt Nam có hại cho sức khỏe người Việt Nam, chưa nói là người nước ngoài.
Như vậy phải có một cuộc vận động toàn xã hội để nâng cao nhận thức không được làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt. Chúng tôi rất mừng có một số địa phương như ở Hà Nam hiện đang có nhiều mô hình đăng ký sản xuất an toàn. Như vậy, Trung ương làm, ở địa phương lại có mô hình, kết hợp lại chắc chắn sẽ thành cuộc vận động tốt.
Cảm ơn ông!
Thời gian qua chúng tôi đã bàn sơ bộ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hóa, theo đó từ nay trở đi, nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Làm nghiêm việc này chắc chắn tỷ lệ gia đình văn hóa sẽ giảm xuống không phải 85, 86 % mà còn xuống nữa nhưng cũng nên chấp nhận để làm rõ hiện thực này.