Theo ghi nhận của PV Tiền phong, khoảng hơn 1 tháng nay, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL có xu hướng tăng trở lại, tăng trên dưới 8.000 đồng/kg so với những tháng trước trước. Những ngày đầu tháng 1, heo của các trại chăn nuôi và hộ dân ở Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… bán cho thương lái ở mức 74.000-79.000 đồng/kg.
Gần đây, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, các tiểu thương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu mua heo hơi nên đẩy giá tiếp tục lên. Tại An Giang, heo hơi ngày 21/1 có giá 78.000-82.000 đồng/kg (hồi đầu tháng là 67.000-70.000 đồng/kg). Còn ở các chợ, thịt heo đùi, ba rọi hay thịt heo nạc có giá 125.000-160.000 đồng/kg. Tại các địa phương khác ở ĐBSCL giá heo hơi hiện cũng tăng lên mức 80.000-83.000 đồng/kg.
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ‘treo’ chuồng, lượng heo tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi lớn. Điều này cũng gây khó cho tiểu thương khi tìm mua heo hơi với số lượng ít để giết mổ bán hàng ngày ở các chợ. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, hiện sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường vẫn chưa có đột biến, nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo. Cạnh đó, giá nhiều loại thịt gia cầm và thủy sản đang khá rẻ, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên dự báo thịt heo cũng sẽ khó ‘sốt giá’.
Trái lại với thịt heo, nhiều loại rau, củ, quả tại ĐBSCL lại giảm giá sâu, người trồng không có lãi. Tại An Giang, giá một số loại rau như cải, rau muống, mồng tơi, xà lách, củ cải, bí đao… được thương lái thu mua từ 1.500-5.000 đồng/kg, còn giá bán tại chợ cũng chỉ 10.000 đồng/kg trở xuống.
Tại Cần Thơ, giá cải thìa, củ cải trắng, bí đao, dưa leo… tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố có giá 6.000-7.000 đồng/kg; rau muống, mướp hương, cà tím, bầu có giá 8.000-9.000 đồng/kg; giá bắp cải trắng, su, cà chua ở mức 10.000-13.000 đồng/kg; bí rợ, củ cải đỏ, củ hành tây giá 15.000-17.000 đồng/kg…
Thời gian gần đây, do nông dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại rau màu, thời tiết cũng thuận lợi nên cho năng suất cao, mặt khác, nhiều loại rau củ quả của Đà Lạt và nhập khẩu cũng có mặt, nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ vẫn ở mức bình thường nên rớt giá.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, thị trường rau quả trong nước có nhiều biến động do bị tác động của điều kiện thời tiết như hạn, mặn, lũ lụt… và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Giá trị xuất khẩu (XK) rau quả tháng 12/2020 ước đạt 265 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả cả năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019.
Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của XK rau quả Việt Nam khi chiếm 56,6% thị phần trong 11 tháng đầu năm 2020 với giá trị XK đạt 1,69 tỷ USD (giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2019). Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…