ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tạo điều kiện để người ngoài Ðảng tham gia Quốc hội

Ðại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. ẢNH: QH
Ðại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. ẢNH: QH
TP - "Nếu họ thực sự có phẩm chất, năng lực, cần khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người ngoài Ðảng tham gia Quốc hội”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nêu quan điểm với Tiền Phong.

Bộ trưởng không nhất thiết là đại biểu

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông đánh giá thế nào về dự kiến cơ cấu đại biểu Quốc hội?

Về cơ bản, cơ cấu lần này đã có những đổi mới, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Cơ cấu lần này có sự đổi mới thực sự trong quan điểm, chủ trương cũng như việc bố trí lực lượng trong cơ quan lập pháp. Đây là bước đổi mới trước tiên về mặt hình thức, còn có chọn được người đủ năng lực, phẩm chất, thực sự xứng đáng đại diện cho cử tri và nhân dân hay không, đó lại là câu chuyện của sau này.

Cá nhân tôi cũng như một số cử tri có kinh nghiệm đều thống nhất quan điểm, phải giảm đại biểu khối hành pháp, tư pháp. Ngược lại, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội có chức vụ trong các cơ quan Đảng, chính trị - xã hội. Tất nhiên, họ phải là những người có đủ năng lực, trình độ, có hiểu biết pháp luật.

Bởi vì Quốc hội là cơ quan làm luật, nên phải có đại biểu của Đảng, để thống nhất về mặt đường lối. Còn những đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội, họ sẽ trực tiếp truyền đạt ý kiến cử tri từ địa phương tới Quốc hội. Đồng thời phổ biến các chính sách pháp luật xuống cơ sở, và trực tiếp giám sát quá trình thực hiện. Chủ trương đó cũng gắn kết được giữa việc kiểm tra, thanh tra và giám sát của cơ quan dân cử cũng như của Nhà nước.

Về độ tuổi của đại biểu thì sao, thưa ông?

Không nên câu nệ về độ tuổi của đại biểu. Đã có lần tôi phát biểu trước Quốc hội rằng, đại biểu Quốc hội là chính khách của quốc gia chứ không phải cán bộ công chức. Chính vì vậy, những người nào có đủ phẩm chất, năng lực, hay sức khỏe theo quy định, người đó có quyền tham gia ứng cử Quốc hội. Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đại biểu Quốc hội cũng phải là của dân, do dân và vì dân.

Điều quan trọng nhất làm sao để lựa chọn được người xuất sắc nhất, xứng đáng nhất, đồng thời cũng không để lọt những đối tượng cơ hội, thiếu phẩm chất, năng lực vào Quốc hội. Nếu để lọt lưới những người không xứng đáng, dứt khoát phải có chế tài xử lý với cả những nơi giới thiệu ứng cử. Có như vậy cử tri mới hài lòng, chất lượng đại biểu mới nâng lên. Đại biểu chính là trái tim của Quốc hội. Trái tim khỏe thì Quốc hội mới khỏe được.

Cá nhân ông từng đề xuất, với chính khách, tư lệnh ngành không nên là đại biểu Quốc hội, vì sao?

Hiến pháp quy định rõ, quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát đối với  nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Vừa là chính khách, vừa là đại biểu Quốc hội, vậy khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, lấy ai kiểm soát? Hành pháp phải làm việc của hành pháp. Tư pháp làm việc của tư pháp và lập pháp cũng như vậy. Anh không thể một lúc ngồi nhiều ghế, mà phải ngồi đúng ghế, làm đúng vai, thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò.

Cơ cấu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, số lượng đại biểu là người ngoài Ðảng từ 25 đến 50 người; đại biểu trẻ tuổi khoảng 50, đại biểu tái cử khoảng 160 trong tổng số 500 đại biểu. Trong đó, đại biểu Quốc hội ở Trung ương 207 và đại biểu địa phương 293 người.

Theo tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ cấu dự kiến khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an) có 15 đại biểu (ít hơn khóa trước 3); Quân đội 12 đại biểu (ít hơn khóa trước 3), Công an 2 đại biểu (ít hơn khóa trước 1); TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước vẫn duy trì mỗi cơ quan 1 đại biểu.

Một người lại làm quá nhiều việc sẽ không bao giờ có chất lượng cao được. Do vậy, cần có sự phân công hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực và ngân sách Nhà nước. Có những Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, trong văn phòng có phòng làm việc riêng, nhưng thử hỏi mấy khi ông ấy đến ngồi đó làm việc? Như vậy chỉ gây tốn kém vật chất, thời gian, lại phân tâm.

Không phân biệt người trong hay ngoài Ðảng

Điểm đáng chú ý trong dự kiến cơ cấu đại biểu, người ngoài Đảng có thể từ 25 đến 50 đại biểu?

Cơ cấu ĐBQH là người ngoài Đảng là cần thiết. Chúng ta đã có nghị quyết rất rõ về việc này. Chính vì thế, nếu người ngoài Đảng thực sự có tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, vì nước, vì dân, tôi tin họ sẽ có những đóng góp rất lớn cho Đảng, cho Nhà nước và Quốc hội.

Để đảm bảo tính dân chủ, không nên phân biệt giữa người trong Đảng hay người không phải đảng viên. Cần phải tạo điều kiện tối đa cho họ. Bất kỳ ai cũng đều có quyền, có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của Nhà nước và xã hội. Đại biểu trong hay ngoài Đảng không quan trọng, vấn đề ở chỗ họ có đủ năng lực, phẩm chất, có làm tròn được trách nhiệm, tâm huyết đối với cơ quan dân cử hay không.

Cá nhân ông đánh giá gì về những đóng góp của đại biểu ngoài Đảng với Quốc hội?

Chúng ta chưa có bất kỳ một thống kê nào đánh giá về sự đóng góp của đại biểu ngoài Đảng với Quốc hội. Nhưng qua quan sát của tôi, nhiều ĐBQH không phải đảng viên thực sự có đóng góp lớn cho Quốc hội. Ví dụ đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai, tham gia mấy khóa liền, và ông ấy có nhiều đóng góp, được cử tri và nhân dân ghi nhận.

Các đại biểu ngoài Đảng đa phần họ có những đóng góp thực sự, chứ không phải để được lòng lãnh đạo, hay lý do nào khác. Bởi sự khách quan đó, họ giúp cho Đảng, Nhà nước nhìn lại các vấn đề, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Theo ông, cần phải có cơ chế, tạo điều kiện ra sao để thu hút nhiều hơn nữa đại biểu ngoài Đảng ứng cử vào Quốc hội?

Cần có cơ chế cụ thể để hiện thực hóa cơ cấu đó. Để làm được điều này, chúng ta nên thay đổi cách lựa chọn. Phải tuyên truyền, lấy ý kiến người dân về cơ cấu đại biểu ngoài Đảng. Đồng thời để cho họ đề cử, ứng cử, trên cơ sở đó cơ quan hiệp thương sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Chúng ta cần phải rộng rãi hơn về đầu vào để mở rộng đối tượng ứng cử, đề cử. Qua đó sẽ có thêm nhiều lựa chọn và chất lượng đại biểu sẽ được nâng lên.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG