Dạy trẻ em học nói bằng ứng dụng di động

5 thành viên của UET Avengers tại cuộc thi S.M.A.C Challenge
5 thành viên của UET Avengers tại cuộc thi S.M.A.C Challenge
TPO - Thông qua một ứng dụng trên điện thoai di động, các em bé chưa biết chữ có thể nhận biết, làm quen và học nói với các hình ảnh về đồ vật, hoa quả, con vật… bằng cách tương tác giọng nói với điện thoại, thay vì chỉ tương tác một chiều thụ động như nhiều ứng dụng di động hiện nay.

Ứng dụng có hai phần gồm học và chơi; bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Cụ thể, trong phần học, ứng dụng sẽ hiện ra các hình ảnh (mỗi hình ảnh chỉ có một đồ vật hoặc một con vật,... ) kèm tiếng nói về hình ảnh đó.  Phần chơi, ứng dụng mở các mảnh ghép để các em đoán và gọi tên hình ảnh.

Đó là ý tưởng của 5 sinh viên đến từ đội UET Avengers, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội mang đến cuộc thi Viết ứng dụng công nghệ tương tác thông minh điều khiển bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015) do Tập đoàn FPT tổ chức.

Giới thiệu về sản phẩm tham dự cuộc thi S.M.A.C Challenge năm nay, Nguyễn Duy Khánh (đội trưởng của UET Avengers) cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ thực tế tại nhiều gia đình có trẻ nhỏ đang học nói hiện nay, cha mẹ thường hay mua nhiều poster in hình đồ vật, con vật, hoa quả,... để dạy cho con mình, thậm chí, nhiều tấm hình còn gắn thêm linh kiện điện tử dạy các phát âm khi trẻ ấn vào hình ảnh của đồ vật đó.

UET Avengers đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng trên điện thoại di động giúp những trẻ em chưa biết chữ làm quen với những hình ảnh về các đồ vật, con vật, hoa quả…

Khánh cho hay: “Qua tìm hiểu, chúng mình nhận thấy hiện trong xã hội có người khiếm thị và trẻ em là hai nhóm người cần tương tác giọng nói nhất. Sau quá trình bàn luận, cả nhóm quyết định chọn trẻ em với mong muốn sẽ giúp các bé vừa học, vừa chơi và phát triển nhận thức".

"Ứng dụng này sẽ hiển thị hình ảnh và chia sẻ thông tin bằng giọng nói để trẻ nhận diện. Ngoài ra, ứng dụng cũng sẽ đưa vào bảng chữ cái để các em dần làm quen với mặt chữ. Trong tương lai, khi ứng dụng được phát triển, nhóm dự kiến sẽ bổ sung thêm các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt và tiếng Anh hiện có”, đội trưởng Nguyễn Duy  Khánh chia sẻ.

Thành tích khủng của thành viên UET Avengers

Cả 5 thành viên của UET Avengers đều sinh năm 1995; là những sinh viên có thành tích học xuất sắc tại trường và có nhiều giải thưởng tại các cuộc thi Toán và Tin học cấp Quốc gia. Trong đó, Nguyễn Duy Khánh và Hoàng Gia Minh từng vô địch cuộc thi Programming Contest và đại diện cho Đại học Công nghệ tham gia thi đấu tại Nhật Bản.

Dạy trẻ em học nói bằng ứng dụng di động ảnh 1

5 thành viên của UET Avengers đạt nhiều thành tích trong học tập

3 thành viên còn lại gồm Hoàng Thanh Tâm,Nguyễn Xuân Đức, Lê Trường Giang đều xếp hạng cao tại các kỳ thi quốc gia môn Tin học và Olympic Toán học trong nhiều năm. 

Riêng Hoàng Thanh Tâm là thành viên nữ duy nhất của đội, còn là Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực HRTech của trường đại học Công nghệ. Cô chia sẻ lý do tham gia cuộc thi của đội: 

“S.M.A.C và số hóa giọng nói là xu hướng của tương lai. Nhóm mình muốn được tiếp cận với những công nghệ mới và đón đầu 2 xu hướng này. Ngoài ra, thông qua cuộc thi, chúng mình cũng muốn cùng nhau tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội”.

Bước ra từ các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, ACM/ICPC, Procon, UET Avengers được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch S.M.A.C Challenge 2015. Song, các thành viên trong đội đều tỏ ra rất khiêm tốn và cho rằng những kinh nghiệm và thành tích trước đó mà nhóm có được  chưa hẳn là lợi thế vì các cuộc thi trước mà nhóm tham gia đều liên quan chính đến các thuật toán, còn S.M.A.C lại là một lĩnh vực rất mới, yêu cầu tính ứng dụng thực tế cao nên hiện tại các đội đều có xuất phát ngang nhau. 

Hiện nhóm đang rất kỳ vọng ứng dụng của mình sẽ chiến thắng cuộc thi để được phát triển phục vụ xã hội, và xa hơn là sẽ trở thành một startup trong tương lai.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, các thành viên của UET Avengers cho biết trước cuộc thi đều ấp ủ kế hoạch học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên sau thời gian trải nghiệm cùng S.M.A.C Challenge,  ước mơ được làm việc trong những công ty công nghệ có môi trường làm việc như FPT và cho ra đời những ứng dụng công nghệ của người Việt đã bắt đầu thắp sáng trong suy nghĩ của các thành viên trong nhóm. 

Bảng thành tích“khủng” của 5 thành viên trong UET Avengers:

- Nguyễn Duy Khánh: Giải Nhì quốc gia môn Tin học cấp THPT năm 2013; Giải Nhất ACM vòng thi Online toàn quốc 2014; Giải Nhất Programming Contest trường đại học Công nghệ năm 2014, đại diện cho trường tham gia thi đấu tại Nhật Bản

- Hoàng Gia Minh: Giải Nhì ACM – ICPC vòng toàn quốc năm 2013; Giải Nhì ACM – ICPC vòng toàn quốc năm 2014; Giải Nhì quốc gia môn Tin học cấp THPT năm 2013; Giải Nhất Programming Contest trường đại học Công nghệ năm 2014, đại diện cho trường tham gia thi đấu tại Nhật Bản

- Nguyễn Xuân Đức:  Giải Nhì quốc gia môn Tin học cấp THPT năm 2012; Giải Nhì quốc gia môn Tin học cấp THPT năm 2013; Giải Nhì kì thi lập trình ACM toàn quốc năm 2013

- Lê Trường Giang: Giải Ba quốc gia môn Tin học cấp THPT năm 2012

- Hoàng Thanh Tâm: Giải Ba toàn quốc kì thi Olympic Toán năm 2015 môn Giải tích; Chủ nhiệm CLB Nguồn nhân lực HRTech, trường đại học Công nghệ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.