Dạy con trong hoang mang

Dạy con trong hoang mang
TP - Dạy con trong hoang mang của TS Lê Nguyên Phương gồm 30 bài viết ngắn theo các chủ đề đang được nhiều bố mẹ quan tâm với lối viết giàu hàm lượng chuyên môn đồng thời giàu cảm xúc, nhiều chỗ như tản văn. Đây cũng là ấn phẩm ứng dụng công nghệ QR code cho những phụ huynh muốn nâng cao trình độ dạy con.

Dạy con luôn là bài toán khó mà các bậc phụ huynh phải giải hàng ngày trong tình thế hình như khoảng cách thế hệ ngày càng gia tăng, bọn trẻ trưởng thành quá nhanh. Từ “hoang mang” trong tên sách hẳn nhận được sự đồng cảm của không ít bố mẹ thời nay. Được biết người làm sách đã tiến hành một cuộc điều tra xem vấn đề nào bố mẹ Việt quan tâm nhất trong việc dạy con và đặt hàng tác giả viết. Trong sách có in các mã QR (Quick Response code) để độc giả có thể đọc thêm thông tin từ chuyên gia trên mạng, cũng như đặt câu hỏi trực tiếp với tác giả qua chat Facebook.

Sách hướng dẫn dạy con theo kiểu Mỹ, kiểu Nhật hay kiểu của người Do Thái chắc là không hiếm nhưng cuốn sách để người Việt dạy con theo kiểu Việt, có thể Dạy con trong hoang mang là cuốn đầu. Lê Nguyên Phương vận dụng cả tinh thần triết lý đạo Phật vào dạy con đầy thuyết phục. Ông gọi quá trình gần gũi của người mẹ với đứa con sơ sinh chưa biết nói là “thân giáo”. Tức là lúc này mẹ phải biết tu tâm dưỡng tính vì mọi trạng thái của mẹ đều ảnh hưởng đến con. Tác giả viết: “Trong lòng mẹ cũng như bên cạnh một bậc chân sư, chúng ta đều tìm được sự bình yên và thư giãn tuyệt đối trong cảm thức an toàn và bảo bọc”. Nếu mẹ căng thẳng, trầm cảm lúc mang thai sẽ tạo ra những hormone xấu truyền sang thai nhi. Những đứa trẻ có lượng hormone này cao dễ bị sinh non, nhẹ cân, khó nuôi, lớn lên hay gặp khó khăn trong giao tiếp… Tuy nhiên tình thế có thể được khắc phục qua “thân giáo”.

Dạy con trong hoang mang ảnh 1

Lấy cảm hứng từ Phật giáo, nhưng không đánh mất tinh thần phản biện. Lê Nguyên Phương phản ứng quyết liệt về cách ứng dụng thuyết nhân quả vào đời sống: “Tôi không muốn trẻ em bị nhồi sọ bởi những chủ thuyết khiến chúng bị mặc cảm suốt đời vì một khiếm khuyết thể hình hay tâm lý, và cũng không muốn chúng dùng một chủ thuyết nào để kỳ thị và phân biệt đối xử với người khác”.

Một kiểu dạy con mà nhiều bố mẹ hay áp dụng đó là thưởng tiền khi con làm mình hài lòng, chẳng hạn dọn nhà, đạt điểm cao… Quan điểm của TS Phương: “Trẻ sẽ gia tăng việc gây phiền hà cho phụ huynh để nhận được hối lộ nhiều hơn”. Ông cho hay trẻ từ 2 tuổi đã nhận biết được mối quan hệ nhân quả này. Và: “Đã có hối lộ thì sẽ có tham nhũng, vì nghĩa đen của tham nhũng là gây phiền hà khó khăn vì lòng tham”. Nếu giáo dục trong gia đình có vấn đề thì xã hội cũng lãnh đủ.

Người Việt coi trọng chuyện học hành đỗ đạt. TS Phương cho biết ở Mỹ học sinh người Việt thường chiếm thứ hạng cao. Năm 2011 trong 23 thủ khoa và á khoa có đến 18 là người Việt. Năm 2016, có đến 5/8 thủ khoa là người Việt. Hầu hết các thủ khoa đều thành công, có việc làm ổn định nhưng lại không phải người tiên phong trong công việc. Tác giả đưa ra một loạt ví dụ về các danh nhân có quá khứ học kém thậm chí khuyết tật hoặc tưởng như hư hỏng. Ông cũng hé lộ về công việc thường ngày của mình- chuyên gia tâm lý học đường bên cạnh việc giảng dạy ở bậc Cao học, ĐH Chapman. Một số bậc cha mẹ “quá khích” thường đến yêu cầu ông trắc nghiệm xem con mình có khuyết tật không. Chỉ vì nó nhận điểm C- là điểm đủ để lên lớp. Bài học của thiền gia sống trọn vẹn với hiện tại cũng được TS Phương đưa ra áp dụng. Tốt nhất là đừng mong cầu con thành ông nọ bà kia mà đơn giản chỉ cần để trẻ “học ra học, chơi ra chơi”.

“Nếu một đứa trẻ không giỏi đủ để lên đại học để thành bác sĩ, luật sư dù đã tận lực và chuyên chú với trách nhiệm thì em đấy còn có giá trị hơn nhiều lần một đứa trẻ khác phung phí năng lực của mình, khi làm việc gì cũng nửa chừng, và bỏ bê trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, học đường…” 

TS Lê Nguyên Phương

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.