Đầu xuân nói chuyện bản sắc văn hóa

TP - Người Giáy có tục lệ thành viên trong nhà đi đâu xa về đều được cúng vía. Họ cho rằng đi xa nhà lâu, hồn vía dễ thất lạc, cúng gọi vía về để tránh ốm đau bệnh tật. Lễ cúng đơn giản vài thứ đồ chay hoa quả là xong.

Người Giáy ở núi nên ngọn lửa giữ ấm ba gian nhà quan trọng lắm. Bếp lửa ủ than hồng quanh năm không tắt, thần bếp cũng là thần giữ nhà và thần canh kẻ trộm, nếu bếp tắt là rất quan ngại vì thần bếp bỏ nhà ra đi thì xui xẻo rất có thể xảy ra.

Người Tày thắp hương bao giờ cũng lấy lửa từ bếp. Lửa từ bếp là lửa có nguồn. Người ta không dùng diêm hay bật lửa thắp hương cũng vì lẽ ấy. Người Kinh thắp ngọn đèn dầu hỏa trên bàn thờ, cũng tiếp lửa từ bếp, cũng châm hương từ đấy. Dù mỗi dân tộc ngôn ngữ khác nhau nhưng cách nghĩ về nguồn gốc từ mọi đồ dùng vật dụng ấy quả là sâu xa đậm sắc thái văn hóa cội nguồn chứ không nông toèn như những xử sự trong cuộc sống bây giờ.

Xét vậy thì ngọn lửa Olympic rước từ vùng đất thiêng Olympia Hy Lạp xuyên qua các quốc gia về nơi tổ chức bùng lên trong những ngày giao đấu cũng không có gì mới lạ với người xứ ta. Cũng là tinh thần hướng về cội nguồn để cố gắng sống cho có kỉ cương.

Người Thái khi tiếp khách phương xa không bao giờ quên hai chén rượu cho ông bà cùng đĩa thịt gà có cổ cánh lòng tiết. Với họ: có ông bà mới có tôi, tiếp khách thì phải có chén rượu mời ông bà cùng dự. Khách biết phong tục ấy, trước khi uống thì nâng chén rượu hắt một chút qua vai tạ thần linh thổ địa nơi gia chủ đang ở, sau đó thành kính rót chút rượu vào hai chén ông bà thay lời mời cụng ly, rồi mới cùng chủ nhà ăn uống.

Có một dân tộc ít người ở Tây Bắc, hình như người La Hủ, vào ngày tết, sợi chỉ xâu kim cũng được rút ra khỏi trôn kim, để nó cũng như mọi vật khác được đi chơi xuân mà không vướng bận gì. Nghe câu chuyện quá nhân văn này tôi hiểu ra rằng đẳng cấp văn hóa không phải ở nơi phố phường mà nó được lưu giữ rất kĩ cả nơi rừng sâu núi thẳm, tưởng như rất lạc hậu.

Vào ngày tết, người Mông đem dao rựa cuốc xẻng dán giấy cắt hoa vào cán rồi dựng bên cạnh bàn thờ cùng một rổ thóc. Những vật dụng giúp có miếng ăn đều được trịnh trọng hưởng cái tết như con người. Điều đó nói lên lòng biết ơn, vừa nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình về những gì đã giúp làm ra miếng ăn để tồn tại.

Tôi có cô bạn người Mông ở Lào Cai thoát ly rất sớm, từ 16 tuổi về làm ở đài phát thanh địa phương. Cô lấy chồng phố phường, đám cưới do công đoàn đứng ra tổ chức, văn minh lắm. Đến tuổi nghỉ hưu, một lần về quê mới biết ở quê con gái đi lấy chồng bao giờ mẹ đẻ cũng sắp sẵn bộ váy áo lanh mộc cất dưới đáy hòm mang về nhà chồng, để khi chết đem ra khâm liệm với ý nghĩa: mẹ sinh ra con thì sẽ săn sóc con cả  khi về với tổ tiên. Họ còn có câu hát “Đói đến mấy cũng không ăn hạt giống, rách đến mấy khi chết cũng phải có tấm áo lanh mặc. Không có váy áo lanh, người Mông lạc mất tổ tiên”. Biết chuyện cô buồn mãi vì không có bộ áo váy lanh mẹ trao, để rơi một phong tục của dân tộc mình. Người Kinh bi lụy khi người thân mất đi nhưng người Mông không hẳn thế, họ được về với tổ tiên nên không quá sầu não mà còn vui vẻ mặc quần áo đẹp trong ngày đưa tiễn.

Quê tôi thì con gái lấy chồng vẫn giữ  tục: mẹ sắp sẵn cái nón đưa con trên thềm trước lúc đón dâu với ý nghĩa giấu sau câu nói: “Nón đội trên đầu, không nắng thì mưa”, nhắc con biết cha mẹ luôn là nơi che chở khi con cần đến.

Tất cả những câu chuyện trên là những sắc thái văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đấy. Hiểu sâu xa những điều này, con người sống sẽ nhân văn hơn, nếu là cán bộ sẽ tử tế hơn sẽ ít sa vào tội lỗi. Đến như cái cây còn biết né bóng tối, biết vươn cành ra chỗ ánh sáng. Bây giờ nhiều nếp sống đẹp và tục lệ có phẩm hàm văn hóa trong đời sống các dân tộc đã bị hao mòn và phá bỏ, thay vào đó là sự dễ dãi tùy tiện, chẳng ra đông chẳng ra tây. Còn cuộc sống theo sự sai khiến của đồng tiền sẽ góp thêm nhiều di hại nữa.

MỚI - NÓNG