Trao đổi với Tiền Phong, GS Ngô Việt Trung cho biết, Viện Toán đã tuyển rất nhiều người từ hệ CNKHTN của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. GS Ngô Việt Trung kể đến những cái tên như: Nguyễn Duy Tân, Đoàn Trung Cường, Đoàn Thái Sơn, Lưu Hoàng Đức. Họ đều là những cán bộ chủ chốt trẻ của trường. Tuy nhiên, theo GS. Ngô Việt Trung, một số người sau khi Viện nhận về, cử đi đào tạo đã ở lại hết bên Mỹ. “Nói thật là tiếc lắm. Người tài thì hiếm. Làm việc ở Viện Toán phải là những người thực sự giỏi. Nếu không giỏi thì khổ cả cơ quan, khổ cả bản thân người đó” – GS Ngô Việt Trung nói.
Đánh giá về hệ CNKTN, GS Ngô Việt Trung cho biết thời kỳ đầu, chất lượng đào tạo tốt hơn, càng về sau chất lượng càng giảm. “Ngày còn làm quản lý, tôi còn sang tận trường vận động sinh viên sang Viện làm luận án và sau đó ở lại làm việc cho Viện luôn”. Theo GS Ngô Việt Trung, trước năm 2010 hệ này đào tạo tốt, sau này có lẽ là không tuyển được vì rất nhiều người đi nước ngoài từ khi còn đang đi học. Hơn nữa, mục đích của người học hiện nay là để đi du học nên các em không chuyên tâm học Toán mà chú trọng tiếng Anh.
Để có thể thu hút được người giỏi vào hệ CNKHTN cũng như giữ được chân họ về nước làm việc, GS. Ngô Việt Trung cho rằng chính sách phải đồng bộ. Đề án 322 hay 911 cử người đi nhưng không tạo điều kiện để họ quay về. Nên họ ở lại là chính. “Tôi nghĩ không tổng kết chứ tổng kết thì sẽ thấy những người đi theo chương trình này về nước giảng dạy rất ít. Cái chính là họ không nhìn thấy tương lai lâu dài” – GS Ngô Việt Trung khẳng định. Tương lai ở đây theo phân tích của GS Ngô Việt Trung không phải chỉ có lương mà còn môi trường làm việc, cơ hội để họ phát triển tiếp. Thậm chí, giới trẻ bây giờ cũng không còn theo đuổi ngành khoa học cơ bản vì họ không nhìn thấy tương lai. Thế hệ đam mê với ngành khoa học cơ bản không còn, giờ giới trẻ có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.
GS Ngô Việt Trung cho rằng khi còn làm việc, ông thực sự đau xót khi thấy những người tài ra đi không trở về. Cả hệ thống có nhiều bất cập. “Tiến sĩ về Viện tôi có khi lương khởi điểm không được 5 triệu đồng. Cách đây 10 năm, anh Chu Gia Vượng, Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế, tốt nghiệp trường ĐH của GS. Ngô Bảo Châu từng học bên Pháp, về Viện làm việc lương khởi điểm được 2,7 triệu đồng. Bây giờ sau 10 năm, sau vài lần nâng lương, chắc giờ lương anh ấy cũng chỉ được gần 5 triệu đồng. Mà ở Viện nếu không có đề tài thì chỉ có nguyên lương để sống. Có đề tài thì cũng chỉ bổ sung vào đó thôi chứ cũng không ăn thua so với làm bên ngoài” – GS Ngô Việt Trung chua xót nói.