Muốn có nhân tài, phải lo từ sớm

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Dân Trí
GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Dân Trí
TP - Muốn có nhân tài phải lo bồi dưỡng từ sớm, từ khi phát hiện năng khiếu. Muốn thế phải tìm mọi cách để các mầm tài năng khi được phát hiện có đất tốt để ươm. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo khi nói về sự khiếm khuyết của hệ thống các trường chuyên hiện nay.

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam: Tài năng cần được phát hiện, bồi dưỡng sớm

Theo tôi, trường chuyên được hình thành dựa trên nguyên tắc là để đào tạo năng khiếu, tài năng của con người. Phần lớn những tài năng thường bộc lộ khả năng thiên bẩm từ rất nhỏ. Vì thế, nếu muốn có nhân tài, phải lo từ sớm, cần phải có trường chuyên từ cấp THCS. Nhưng chính sách cho những trường này phải có điều chỉnh so với trước đây. Không thể có chuyện cứ tranh nhau vào rồi không chuyên cũng thành chuyên. Thực tế hiện nay thấy trường nào có lớp tốt, những người có thế lực thường tìm mọi cách xin cho con vào lớp đó, dù con họ không học giỏi. Họ đang hiểu sai về chuyên. Chính vì thế phải có cơ chế chặt chẽ hơn. Tổ chức các trường chuyên phải có quy định của nhà nước trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Nếu không có quy định chặt chẽ, nghiêm túc thì có thành lập trường chuyên từ cấp THCS rồi cũng sẽ biến dạng rất nhanh.

Tôi nói lại lần nữa, nên tìm mọi cách để các mầm tài năng khi được phát hiện sẽ được “gieo vào đất tốt”. Đã gọi là tài năng thì phải ươm càng sớm càng tốt, đừng  để lên cấp 3 mới đào tạo tài năng, lúc đó là muộn mất rồi.  Muốn có một họa sĩ tài năng, một nghệ sĩ đàn piano tài năng thì từ nhỏ đã phải được đào tạo như thế nào. Toán hay văn cũng thế. Theo tôi, sớm bồi dưỡng tài năng là đúng. Để muộn là không được, sẽ bị thui chột ngay.  Còn bồi dưỡng kiểu gì cho đúng khoa học  thì các nhà khoa học  phải nghiên cứu.

Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan: nên mở lại hệ THCS chuyên

Theo tôi nên mở lại hệ trường THCS chuyên. Thực tế nhu cầu của cá nhân và xã hội học chuyên một số môn là có thật và cần thiết. Nhưng cần điều chỉnh lại so với trước đây, kể cả trường chuyên cấp THPT hiện nay. Vấn đề lớn nhất của trường chuyên tại Việt Nam hiện nay không phải tại bản thân học sinh, đây là nhu cầu chính đáng của các em. Vấn đề cần cải tiến là chính sách. Chính sách hiện nay của chúng ta khiến xã hội nhìn học sinh chuyên quá cao  so với thực tế. Trong khi đó, các em thi đỗ vào trường chuyên mới chỉ là những tiềm năng của một năng khiếu nhất định. Nhưng cả xã hội lại nhìn em như những tài năng. Đặt trọng trách lên vai các em quá nhiều. Từng là một học sinh chuyên tôi vẫn còn nhớ áp lực  đối với mình, phải học tốt, phải được điểm cao và không được phép thất bại.

Học sinh có năng khiếu lĩnh vực nào thì cần có nơi để phát triển năng khiếu đó ở mức tốt nhất có thể.

Nguyên hiệu trưởng trường năng khiếu Ý Yên (Nam Định) Hoàng Trung Hiếu: Học sinh có năng khiếu phải có nơi để phát triển

Tôi từng làm hiệu trưởng trường Năng khiếu Ý Yên, Nam Định 15 năm. Ngày tôi còn công tác, trường vừa chuyên tiểu học (từ lớp 4) và chuyên THCS. Tôi cho rằng trường dù chuyên hay không chuyên, mục tiêu là mở mang tri thức cho học trò. Nhưng trong số những học sinh đó  có những em trí tuệ phát triển sớm, hay có năng khiếu, nếu đón bắt được sớm để bồi dưỡng thời gian dài, có hệ thống từ cấp 1, cấp 2, lên cấp 3 thì sẽ tốt hơn nhiều. Còn để lên cấp 3 mới bắt đầu bồi dưỡng thì cũng tốt nhưng thời gian được ít. Nếu bây giờ mở lại được hệ thống trường chuyên từ cấp THCS thì tốt quá. Như thế, những học sinh có năng khiếu, có tài năng có nơi để phát triển học tập. Tôi vẫn dõi theo những học trò của mình. Những em ngày xưa đi thi đội tuyển quốc gia lớp 5, lớp 9, lớp 12 đều trở thành những người thành đạt, có vị trí xã hội.

MỚI - NÓNG