Trong cơn hoang mang đó, liều vaccine cúm như là “thần cứu cánh” của người chăn nuôi. Sợ mất trắng, họ đôn đáo đi mua vaccine để tiêm phòng, và giá thuốc thú y tăng 5-10% so với trước đây, là không có gì khó hiểu. Thế là, giá gia cầm đã rẻ, ế, lại phải tốn thêm tiền thuốc, cám... người nuôi còn gì?
Còn những hộ nuôi đang mắc dịch, có người “của đau con xót”, bán tống bán tháo để “chạy” dịch, khiến mầm dịch lan truyền. Có người khi có gia cầm chết, đã không khai báo, thậm chí tự mua thuốc không rõ nguồn gốc về tiêm (loại thuốc pha sẵn, đựng trong chai nhựa đã sử dụng) để tiêm cho đàn gia cầm...
Có địa phương cũng kêu, dù tiêm phòng vaccine rồi, nhưng dịch đến đàn gia cầm vẫn lăn ra chết. Có người cho rằng, đã tiêm phải vaccine dỏm, hoặc đã quá lạc hậu so với sức phát triển của virus. Người nuôi hết cách, con virus vẫn tự do lan truyền.
Từ khi có dịch cúm gia cầm H5N1 (năm 2003), Việt Nam đã có nhiều chương trình nghiên cứu về loại cúm này, trong đó có sản xuất vaccine. Khoảng 10 năm sau, loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất (Cty CP Thuốc Thú y T.Ư -Navetco) được bán trên thị trường. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia đầu ngành về thú y, loại vaccine trên của Navetco đã “lệch pha” so với nhánh virus cúm đang lưu hành hiện nay.
Thế là, phải nhập vaccine từ Trung Quốc, như cách chúng ta làm 10 năm qua. Ở Việt Nam, mức độ đầu tư, từ con người, kinh phí, trang thiết bị còn rất hạn chế, và không phải ai cũng làm được vaccine.
Thế nhưng, cũng có những doanh nghiệp tiên phong, họ bỏ tiền, liên kết nhằm cho ra sản phẩm được vaccine “made in Viet Nam” chính hiệu. Tuy nhiên, cái họ lo rằng, bỏ hàng đống tiền, rồi cơ quan chức năng có đoái hoài hỗ trợ? Vì rằng, nếu có dịch, cứ chỉ định thầu, nhập Trung Quốc “cho lành”, đỡ phiền phức với mấy ông trong nước?
Hơn 350 triệu con gia cầm của nước ta, đang rất cần một giọt vaccine Việt đủ mạnh, đủ bản lĩnh và tự tin để đánh bật các loại virus cúm nguy hiểm, hơn là phụ thuộc vào vaccine ngoại.