Đầu năm sau có thêm hàng không giá rẻ?

Máy bay của AirAsia đang hoạt động tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: Sỹ Lực.
Máy bay của AirAsia đang hoạt động tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Hãng hàng không giá rẻ quy mô lớn của châu Á - AirAsia vừa công bố sẽ mở một hãng bay tại Việt Nam thông qua liên doanh với Thiên Minh Group của doanh nhân Trần Trọng Kiên. Theo chuyên gia hàng không, liên doanh này thành hiện thực (dự kiến đầu năm 2018) sẽ tác động mạnh đến thị trường hàng không trong nước.

Cạnh tranh với cả hàng không giá rẻ Việt Nam

Thông tin hãng hàng không giá rẻ quy mô lớn của châu Á xuất phát từ Malaysia – AirAsia vừa ký thỏa thuận với Cty Gumin của Việt Nam gây chú ý trong vài ngày qua. Gumin do doanh nhân Trần Trọng Kiên làm Tổng giám đốc. Ông Kiên cũng là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh – doanh nghiệp sở hữu Hãng hàng không Hải Âu – chuyên về hoạt động thủy phi cơ bay du lịch tại Việt Nam. Theo biên bản hợp tác, liên doanh có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Gumin sở hữu 70% cổ phần, AirAsia nắm phần còn lại. Hãng bay mới dự kiến bắt đầu hoạt động đầu năm 2018.

Theo hãng tin Bloomberg, AirAsia đến Việt Nam lần này nằm trong lộ trình xây dựng một hãng bay giá rẻ trên toàn châu Á. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng khách đi máy bay tại Việt Nam là 28%, gấp ba các quốc gia Đông Nam Á khác cũng là lý do được nhắc đến. Dưới góc nhìn của AirAsia, Việt Nam có lượng khách bay nội địa tăng gấp đôi từ năm 2013, tầng lớp có thu nhập trung bình có thể đi máy bay chạm mốc 1/4 dân số.

Nếu liên doanh này đi vào hoạt động sẽ trực tiếp cạnh tranh với các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vasco đặc biệt là hai hãng hàng không theo mô hình giá rẻ là Vietjet và Jetstar Pacific.

Hành khách được lợi về giá, chất lượng

Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường cho hay, việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm 30% cổ phần của một hãng bay nội địa đã được quy định vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, để bay thương mại (ngoài phạm vi của thủy phi cơ), Hải Âu, Gumin hay một liên doanh mới sẽ phải thực hiện xin giấy phép và phải được sự đồng ý của Chính phủ. Đến nay, liên doanh này vẫn chưa nộp hồ sơ xin cấp phép.

Liên quan đến thông tin cho rằng, bên cạnh việc lập liên doanh, góp vốn, AirAsia còn có động thái cho liên doanh vay 2 triệu USD để đầu tư dự án. Ông Cường cho biết, nếu có, hợp đồng cho vay phải độc lập với phần góp vốn vào liên doanh hàng không này.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM, đánh giá: AirAsia vào Việt Nam sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, mang lại lợi ích về giá, về chất lượng cho hành khách.

Tuy nhiên, ông Tống cho rằng, ngoài phần vốn góp 30%, nếu AirAsia tiếp tục cho liên doanh vay tiền thì đây là một cách góp vốn “trá hình”. “Về bản chất, vốn góp của AirAsia sẽ nhiều hơn và ý nghĩa của việc doanh nghiệp trong nước chi phối các quyết định trong liên doanh không còn. Đây là điều cần phải bàn” – PGS Tống nói.

Trao đổi với  PV Tiền Phong, bà Đinh Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu, Giám đốc Phát triển của Tập đoàn Thiên Minh xác nhận: Liên doanh với AirAsia sẽ tập trung vào hoạt động bay nội địa và quốc tế tại Việt Nam, ngoài ra tiếp tục duy trì hoạt động bay thủy phi cơ của Hải Âu hiện nay. Liên doanh đặt mục tiêu sẽ cất cánh vào năm 2018.

AirAsia là hãng giá rẻ có nguồn gốc từ Malaysia, hiện nay có các công ty con gồm Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia Zest và AirAsia India. Ngoài ra, hãng đã thêm AirAsia X tập trung vào các chuyến bay dài. AirAsia đã tạo nên mạng bay năng động bậc nhất khu vực với gần 100 điểm đến. Tại Việt Nam, AirAsia cũng đã xuất hiện với các đường bay từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đi các nước trong khu vực Đông Nam Á.

MỚI - NÓNG