Theo PGS Quang dấu hiệu ung thư thanh quản rất đặc trưng không giống các bệnh ung thư khác dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản sớm duy nhất đó là "khàn tiếng". "Nếu một người khàn tiếng 5 đến 7 ngày không có dấu hiệu đỡ cần đi kiểm tra ngay vùng thanh quản nhất là người có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu" – PGS Quang nhấn mạnh.
Với ung thư thanh quản, các dấu hiệu khác như gây khó thở hoặc thở có tiếng ồn, ho, cảm giác có cục ở cổ họng có thể là những dấu hiệu báo động của ung thư thanh quản đã ở giai đoạn trễ hơn.
Khi khối u phát triển, nó có thể gây đau, giảm cân, khó thở và hay bị nghẹn thức ăn. Trong một số trường hợp, khối u ở thanh quản có thể gây khó nuốt.
Việc sàng lọc ung thư thanh quản cũng rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ soi thanh quản. Nếu bác sĩ phát hiện ra những vùng bất thường, bệnh nhân cần phải được sinh thiết. Sinh thiết là cách duy nhất chắc chắn để khẳng định ung thư.
Những bệnh lý hay gặp gây khản tiếng kéo dài:
Viêm thanh quản: thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.
Hạt xơ dây thanh: xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.
Nang nước dây thanh: Cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.
U lành thanh quản như u xơ, polype: Các bệnh này gây ra tình trạng thanh quản không đóng kín, gây khàn tiếng. Nếu u to có thể gây ra chèn ép, khó thở.
Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Đây là dây thần kinh chi phối giọng nói. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, cũng gây ra khàn tiếng.
Ung thư thanh quản: Triệu chứng ban đầu có khi chỉ là khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân. Khối u lớn có thể gây vướng, đau, khó nuốt, nếu chèn vào khí quản có thể gây khó thở. Có thể phát hiện những hạch cổ khi khối u đã di căn.