Một người có thể mắc sốt xuất huyết bao nhiêu lần?

Ở mùa dịch năm nay tử vong SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Ảnh: Như Ý
Ở mùa dịch năm nay tử vong SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Ảnh: Như Ý
TPO - PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ hai, ba bởi những tuýp vi rút khác nhau.

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm này đã có 18 ca tử vong do sốt xuất huyết. Điều đặc biệt nguy hiểm là ở mùa dịch năm nay tử vong SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Thế nhưng nhiều người vẫn hết sức chủ quan và "lơ mơ" với những kiến thức về phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này như đã bị SXH sẽ miễn dịch suốt đời và muỗi mang vi rút SXH đốt xong 1 người sẽ ... chết luôn. 

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cần phải nhận diện một cách rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các tuýp sốt xuất huyết (SXH) để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, có ba loại SXH: SXH Dengue; SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; SXH Dengue nặng. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4.

Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ hai, ba bởi những tuýp vi rút khác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Đồng thời, nguyên nhân còn do tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm, xử lý phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, sự phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí...

MỚI - NÓNG