Bệnh nhi là N.D.L (3 tháng tuổi) nhập viện Nhi TƯ do suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc dị tật thất phải hai đường ra kèm theo bất thường xuất phát của động mạch phổi trái gây hẹp nặng đường thở. Khí quản của cháu bị hẹp rất nặng do toàn bộ khí quản bị bao quanh bởi cấu trúc vòng sụn bẩm sinh.
Bệnh nhi được cho thở máy, nhưng phổi không thể hoạt động được do khí quản hẹp quá nặng. Tình trạng của cháu ngày càng xấu đi với nồng độ khí CO2 trong máu tăng lên nhanh chóng.
Theo Th.s Tùng, đây là trường hợp cực kỳ khó khăn bởi bệnh nhi còn quá nhỏ, cân nặng có 5kg, nhiều tổn thương phức tạp và nếu có mổ thành công thì quá trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhi cũng là cả một cuộc chiến cam go.
Sau phẫu thuật, tình trạng của cháu vẫn còn rất nặng, cháu được hồi sức tích cực và liên tục trong 15 ngày. Sau 34 ngày nằm viện, trẻ được ra viện với tình trạng hoàn toàn ổn định như một cháu bé bình thường và khỏe mạnh.
Phẫu thuật tạo hình khí quản là một thách thức lớn với các bác sĩ bởi tình trạng tái hẹp sau phẫu thuật, tỷ lệ tử vong vì nhiễm trùng cao do phải thở máy kéo dài.
Bác sĩ Tùng nhận định, ca phẫu thuật thành công chính là nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm phẫu thuật và hồi sức chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật. Trước đây, tỷ lệ thất bại khi thực hiện tạo hình khí quản ở trẻ em là rất cao.
Từ năm 2016, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã thực hiện thành công tám ca tạo hình khí quản. Với ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.D.L, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã ghi thêm một dấu mốc về phát triển khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật tim bẩm sinh.