Đất không sổ đỏ được cấp phép xây dựng: Có khả thi?

Đất không sổ đỏ được cấp phép xây dựng: Có khả thi?
TP - Bộ Xây dựng đang dự thảo (lần 5) Nghị định giấy phép xây dựng, trong đó đề xuất cho phép đất không có bất kỳ giấy tờ gì, nhưng không tranh chấp, cũng được cấp phép xây dựng.

> Trách nhiệm của người cấp giấy phép xây dựng?
> Không có giấy tờ, vẫn được cấp phép xây dựng

Gỡ khó cho dân

Theo khoản 1 điều 63 Luật Xây dựng hiện hành, muốn có giấy phép xây dựng phải có hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm: Đơn xin cấp giấy phép xây dựng; Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình; Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai (sổ đỏ).

Tuy nhiên, tại dự thảo lần 5 của Nghị định Giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng, cho phép: trường hợp hộ gia đình không có sổ đỏ nhưng được UBND cấp xã xác nhận đất đó là đất ở đang sử dụng không có tranh chấp thì vẫn được xét cấp phép xây dựng. Hộ gia đình chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thủ tục để có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Thọ Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết: “Cơ quan cấp phép cũng muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế nhiều người dân không có giấy này. Nếu cứ buộc phải có giấy chứng nhận mới được cấp giấy phép xây dựng thì nhiều người sẽ không xây được nhà. Cũng phải nói rằng cơ quan cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên cơ quan cấp phép xây dựng phải đề xuất như vậy để xử lý theo tình huống”.

Anh Minh Hoàng (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện làm sổ đỏ rất khó khăn, không phải ai cũng làm được. Như mảnh đất của tôi là đất thổ cư lâu đời, nhưng nhiều năm nay vẫn cứ chờ thủ tục cấp sổ đổ, mới được cấp phép xây dựng, nên không biết bao giờ mới được xây nhà mới. Tôi thấy đề xuất của Bộ Xây dựng hợp lòng dân nghèo”.

Có ý kiến lo ngại, nếu cấp phép xây nhà cho đất chưa có sổ đỏ, thì rất khó quản lý. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Thái - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, việc này không đáng ngại. Vì khi giao quyền cho cấp xã xác minh, thì chính quyền cấp xã phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Nếu có sai phạm thì có thanh tra vào xác minh và người ký văn bản phải chịu trách nhiệm. Chưa kể, sau khi xây dựng người dân vẫn phải tiếp tục hoàn thành thủ tục giấy tờ đất đai, bởi điều này có lợi cho chính mảnh đất mà họ xây dựng lên”.

Cùng quan điểm với ông Thái, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho hay: “Chúng ta nên nhìn vào thực tế, người ta có giấy tờ mua bán đất nhưng chưa làm được sổ đỏ mà cứ bắt dân chờ làm sổ đỏ mới được xây dựng thì làm khó dân quá. Hiện cũng đã có luật nếu xây dựng trái phép thì bị phạt, thậm chí là tháo dỡ. Vậy vì sao không cấp phép xây dựng cho họ trước khi có giấy tờ đất?”.

Việc xin phép để xây nhà ở của dân sẽ dễ dàng hơn
Việc xin phép để xây nhà ở của dân sẽ dễ dàng hơn.

Dễ trốn đóng tiền sử dụng đất?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT phân tích: “Đất xin cấp phép xây dựng có phải là đất ở hay không thì phải làm rõ”.

Ông Chính cho biết, chủ sở hữu phải đăng ký với cơ quan nhà nước về loại đất, tình trạng đất. Trong quá trình xác định đất, phía hộ dân phải xác định đất ở là bao nhiêu, chuyển mục đích sử dụng đất từ bao giờ, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Trên cơ sở đó mới có quyền về xây dựng, sản xuất kinh doanh hoặc mua bán chuyển nhượng...

“Nếu như mình không có chế tài để họ đăng ký và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì sau này rất khó xử lý. Ví dụ như mảnh đất ấy đang thế chấp ở ngân hàng hay cầm cố... Nếu để ở thì khi xây xong rồi họ cũng chẳng cần phải đóng tiền sử dụng đất làm gì. Kết quả là Nhà nước bị thất thu một khoản. Tốt nhất nên gắn kết 2 thủ tục này lại để làm sao giảm thiểu thủ tục đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn” - ông Chính nói.

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT tỏ ra khá gay gắt về đề xuất của Bộ Xây dựng: “UBND cấp xã thì không có quyền xác nhận tư cách pháp lý đất đai thế nào. Theo Luật Đất đai, xác nhận đất đai cá nhân, hộ gia đình là cấp huyện. Nên đề xuất trên không có căn cứ. Vì thế, nhà nước nên công nhận quyền sử dụng đất ở tạm thời cho những người nghèo lấn chiếm từ trước nhưng hợp với quy hoạch. Nếu cho xã xác nhận việc sử dụng đất thì vô hình trung gây ra một nguy cơ tham nhũng mới ở cấp xã.

Điều này khó giải quyết được tận gốc vấn đề. Vấn đề cấp sổ đỏ nếu như làm không đúng gây khó cho người dân trong việc cấp phép xây dựng thì nên xử lý những người làm sổ đỏ đó chứ không thể chạy theo cái sai được”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.