Theo lịch được công bố, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/6. Nhưng từ ngày 6/6, khi Sở GD- ĐT Nam Định công bố danh sách chốt số lượng thí sinh (TS) đăng ký thi và chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường PTTH công lập trong tỉnh thì lập tức không khí thi cử tại "đất học" trở lên "nóng" hơn bao giờ hết. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc tỷ lệ thí sinh loại ở nhóm các trường có chất lượng thấp hơn năm nay tăng đột biến.
Cụ thể, năm nay 45 trường PTTH công lập của tỉnh Nam Định có 18.367 hồ sơ dự thi. Chỉ tiêu tuyển sinh là 15.739 em nên tỷ lệ "chọi" không cao.
Biến động xảy ra ở tỷ kệ đăng ký vào các nhóm trường. Cụ thể, tại thành phố Nam Định, 2 trường PTTH được xem là có chất lượng chỉ xếp sau trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong là THPT Trần Hưng Đạo và THPT Nguyễn Khuyến năm nay chỉ có tỷ lệ loại chỉ khoảng 10%, "hạ nhiệt" xuống mức thấp nhất trong vòng hàng chục năm qua (trường Trần Hưng Đạo có 479 TS đăng ký thi, tuyển 440 TS; trường Nguyễn Khuyến có 449 TS đăng ký thi, tuyển 400 TS). Trong khi đó, trường THPT Ngô Quyền được xếp vào nhóm cuối chất lượng tại thành phố Nam Định bất ngờ có tỷ lệ loại lên tới trên 50% (có 604 TS đăng ký thi, tuyển 400TS).
Trong khi đó, thi vào trường "chất lượng cao" Trần Hưng Đạo năm nay "hạ nhiệt" chỉ có 479 thí sinh so với 440 chỉ tiêu - Ảnh: Hoàng Long
Tình trạng trương tự cũng diễn ra ở 9 huyện còn lại, các trường chất lượng cao như Tống Văn Trân (huyện Ý Yên) có 485 TS dự thi, lấy 480 TS; trường Hải Hậu A (huyện Hải Hậu) có 469 TS dự thi, lấy 465 TS; trường Nam Trực có 512 thí sinh, lấy 440 TS… Trong khi đó, các trường được đánh giá chất lượng thấp hơn lại có tỷ lệ loại cao hơn, đều ở mức từ 30 đến 50%. Điển hình là trường PTTH Trần Văn Lan được đánh giá nằm ở nhóm chất lượng thấp nhất trong số 45 trường PTTH của tỉnh Nam Định năm nay có số TS đăng ký dự thi là 523 em nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 280 em.
Chuyên gia giáo dục khuyên gì?
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là xuất phát từ phía học sinh, nhất là định hướng của phụ huynh không bám sát thực tế học tập của con em. Anh Trần Văn Hải, một phụ huynh ở thành phố Nam Định có con tham dự kỳ thi này thừa nhận: "Con tôi đứng trong top 20 em học khá nhất của trường THCS Phùng Chí Kiên, các thày cô xác định cháu đủ sức thi vào Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến. Nhưng để cho chắc, tôi đăng ký cho cháu thi vào Ngô Quyền. Từ lúc có thông tin trường này loại tới hơn 200 em là cả nhà "ngồi trên đống lửa". Tôi phải cấp tốc mời thày về ôn thêm để được chữ nào, hay chữ nấy".
Thậm chí, trường hợp anh Nguyễn Tiên Sáng có con đứng trong top 5 của trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) nhưng sau khi con thi trượt trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, anh Sáng cất công xin chuyển hộ khẩu cho con về huyện Mỹ Lộc rồi đăng ký dự thi tại trường Trần Văn La nhằm chắc chắn con được học ở trường công lập. Dù tin vào sức học của con nhưng anh Sáng vẫn lo đến đứng ngồi không yên vì tỷ lệ loại ở trường này quá cao, lên tới gần 50%.
Thống kê cho thấy lượng thí sinh đăng ký thi vào các trường chất lượng nhóm dưới tăng đột biến - Ảnh: Hoàng Long
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Nam Định cho biết hầu hết phụ huynh đều có tâm lý muốn con đỗ vào lớp 10 trường công lập. Vì vậy trước đó, Sở này đã quán triệt các trường THCS trên địa bàn phải căn cứ vào thực tế kết quả của từng học sinh và có định hướng cụ thể cho các em lựa chọn trường để thi nhằm hạn chế tình trạng "trượt oan" vì lựa chọn trường "vượt tầm". Tuy nhiên, một bộ phận khá lớn phụ huynh đã không nghe tư vấn, hướng con thi vào trường nhóm dưới để mong cơ hội đỗ cao hơn, từ đó dẫn tới tình trạng tăng đột biến về tỷ lệ loại ở nhóm các trường này", ông Thuận nói.
Không bị áp lực sẽ giúp thí sinh làm bài thi tốt hơn - Ảnh: Hoàng Long
Đồng tình với ý kiến này, thày giáo Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Nam Định, kiêm Hiệu trưởng trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong cho biết: "Tôi thậm chí còn đưa biểu là nếu học THCS ở trường nào, sức học như thế nào thì nên thi vào trường nào sẽ có khả năng đỗ cao nhất mà một số phụ huynh cũng không nghe, cứ khăng khăng "hạ" con mình xuống để mong tăng cơ hội đỗ. Giờ thấy tỷ lệ loại cao, một số em sẽ có tâm lý lo lắng. Thực tế cho thấy nhiều em trượt không phải vì sức học yếu mà do tâm lý lo lắng, không ổn định khi vào phòng thi dẫn đến làm bài thiếu tập trung, sai sót".
Là người có kinh nghiệm về trực tiếp dạy ôn thi, tổ chức các kỳ thi, thày Vũ Đức Thọ khuyên các phụ huynh không nên thể hiện lo lắng, đặc biệt không nên thuê thày ôn luyện cấp tốc theo kiểu "nhồi vịt" sẽ càng ảnh hưởng đến tâm lý con em mình trước giờ thi. "Tạo tâm lý thoải mái cho các em, chỉ cần nhắc các em phải làm bài cẩn thận, khi làm bài thi cố không để xảy ra những sai sót không đáng có thì khả năng đỗ sẽ cao nhất", thày Thọ tư vấn.