Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hòa Bình, tính đến thời điểm hiện tại có tổng số 8.993 thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi tỉnh Hòa Bình. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có 37 điểm thi, 447 cán bộ coi thi, 69 cán bộ giám sát. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ những sự việc đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉnh Hòa Bình đang tích cực, nghiêm túc thực hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, sau khi có các văn bản của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, tổ chức kỳ thi đến các đơn vị liên quan trong toàn ngành. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT đến cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hòa Bình vừa gửi văn bản đến các đơn vị trực thuộc đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia thanh tra coi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Yêu cầu đầu tiên của Sở đối với cán bộ, giáo viên tham gia thanh tra coi thi phải đảm bảo điều kiện có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; Là cộng tác viên thanh tra (theo Quyết định số 03/QĐ-SGD&ĐT ngày 2/1/2019 của Sở GD&ĐT) có kinh nghiệm thanh tra thi.
Nắm vững Quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; Không có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Mỗi đơn vị căn cứ vào số lượng cộng tác viên thanh tra giới thiệu 2 cán bộ, giáo viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra coi thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình năm 2019 có 4 đơn vị tham gia phối hợp tổ chức thi là Trường ĐH Hà Nội, Học viện Hậu cần, Học viện Phụ nữ, Học viện Chính sách và phát triển. Dự tính, sẽ có khoảng hơn 500 cán bộ, giáo viên các trường ĐH, Học viện tham gia làm phó trưởng điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát tại các điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh. Phương án vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi cũng đã được xây dựng chi tiết theo quy định.
Riêng với công tác chấm thi, đối với bài thi tự luận, cán bộ chấm thi là giáo viên cấp THPT tại địa phương, đã xây dựng cơ cấu nhân sự đảm bảo đúng quy chế thi và đủ số lượng giám khảo để thực hiện công tác chấm tổng số 8.895 bài thi tự luận.
“Năm nay muốn gian lận cũng không được”
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ số lượng cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra, chấm thi để phối hợp với Sở GD&ĐT Hòa Bình theo đúng quy định. Theo đó, có 300 cán bộ, giảng viên tham gia coi thi, giám sát, thanh tra và 20 cán bộ, giảng viên tham gia chấm thi trắc nghiệm.
Đồng thời, trường giao nhiệm vụ một phó hiệu trưởng phụ trách hỗ trợ Sở GD&ĐT Hòa Bình trong công tác coi thi, 1 phó hiệu trưởng phụ trách ban chấm thi trắc nghiệm. Trường cũng tham gia với Sở hỗ trợ chấm thi tự luận. Trường cũng đặc biệt lưu ý với cán bộ coi thi một số điểm quan trọng được Bộ điều chỉnh trong năm nay, như thời gian giữa các môn thi trong bài thi tổ hợp, chú ý kỷ cương trong phòng thi. Điều quan trọng nhất là từng hoạt động phải thực hiện theo đúng yêu cầu của trưởng điểm thi.
Trường ĐH Hà Nội cũng đã cử cán bộ đi tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tự bố trí cán bộ, máy móc để tự tập huấn cho toàn bộ cán bộ chấm thi của trường về quy trình chấm thi trắc nghiệm. Nhưng thời gian tới, trường sẽ làm việc với Sở GD&ĐT Hòa Bình để kiểm tra xem máy chấm thi của Sở hiện nay như thế nào.
Đối với việc lựa chọn cán bộ chấm thi trắc nghiệm, đây là khâu đã xảy ra gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, TS. Phạm Ngọc Thạch cho biết từ trước đến nay cán bộ chấm thi của trường là những người công tâm. “Quan trọng nhất là quy trình chấm thi năm nay đã triệt tiêu những sai sót có thể xảy ra để thực hiện gian lận. Chúng tôi đi chấm thi tại Hòa Bình hay bất kỳ địa phương nào đều không chịu bất cứ áp lực nào. Thực hiện theo đúng quy trình, từng bước có sự giám sát của thanh tra, công an. Hơn nữa, năm nay muốn gian lận cũng không được do phần mềm được cải tiến nhiều so với năm ngoái. Mỗi người tham gia chấm thi chỉ làm đúng việc của mình” - TS. Phạm Ngọc Thạch nói.
Hà Nam lắp 86 camera giám sát kỳ thi THPT Quốc gia
Chiều 6/6, ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD- ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, sau khi rà soát hiện trạng, Sở này đã quyết định lắp tổng số 86 camera an ninh. Các camera này sẽ giám sát toàn bộ các khâu từ bảo quản, giám sát, đề, bài thi đến quá trình chấm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại Hà Nam. Cũng theo ông Kiên, ngoài việc lắp camera để giám sát, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm tới việc ngăn chặn các tình huống gây lộ đề thi gây ảnh hưởng tiêu cực đến đề thi. “Chúng tôi yêu cầu các phòng chứa và hòm quản lý đề thi, bài thi phải được đích thân 3 thành phần là Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi và một cán bộ an ninh niêm phong và ký nhận niêm phong này. Đội ngũ cán bộ tham gia coi thi cũng được lựa chọn kỹ càng, không có “tỳ vết” mới được tham gia”, ông Thiện thông tin.
Hoàng Long