Nhận định về đề thi Lịch sử vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua, Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, đề đạt được yêu cầu về trình độ học sinh lớp 9. Song độ phân hóa chưa cao, vì kiến thức chỉ nằm ở mức cơ bản ( biết, hiểu vận dụng thấp).
Cô Thảo cũng cho rằng, cần có 1 hay 2 câu khó để tránh những điểm 10 quá nhiều: “ Với đề vừa rồi học sinh lớp 9 đạt điểm 10 không khó”- cô Thảo nêu quan điểm.
Cô Thảo cũng cho biết, đề thi cũng bao quát toàn bộ chương trình lịch sử lớp 9. Độ bao quát tốt và trải đều xuyên suốt chương trình học và các vấn đề trọng tâm. Ở trình độ lớp 9, đề ra như vậy là tốt vì đề đã ra trên nhận thức của lớp 9.
Cô Huyền Thảo cũng đồng ý quan điểm vẫn phải có kì thi vào lớp 10 như hiện nay dù thực tế, áp lực thi vào lớp 10 công lập hiện nay đang rất lớn.
“Đây cũng là một tất yếu khách quan của" thị trường giáo dục" khi dân số tăng nhanh mà trường học tăng chậm lại có hệ thống dân lập, tư thục, quốc tế nên để vào trường công đôi khi các em lại phải nỗ lực hơn để có một chỗ ngồi ở trường công lập với giá học phí rẻ. Còn những gia đình có điều kiện và thoải mái không bị áp lực lựa chọn mô hình trường tư thục, dân lập...
Cần có ngân hàng câu hỏi đảm bảo tính khoa học, chính xác
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố 24 bộ đề ôn tập môn Sử vào lớp 10 được đưa lên mạng xã hội trực tuyến, theo phản ánh của một giáo viên nhiều năm dạy Sử tại Hà Nội, khi cùng học sinh làm đề ôn tập trên mạng, người này phát hiện nhiều câu trong bộ đề đưa ra đáp án không chính xác.
Ví dụ, câu số 11 trong một đề hỏi: “Trong phong trào dân chủ 1936-1939, Đảng ta đã dùng phương pháp đấu tranh cơ bản nào?”.
Với câu hỏi này, đáp án phải là “hợp pháp và nửa hợp pháp”, chứ không phải “bạo động vũ trang” như nêu trong đề. Bởi vì, thời điểm này, không có đấu tranh vũ trang. Điều này được minh chứng rõ trong sách giáo khoa lịch sử lớp 9 trang 77, 78.
Giáo viên trên cũng khẳng định có ít nhất 4 câu trong các bộ đề có đáp án chưa chính xác.
Ngay sau khi được phản ánh một số câu hỏi trong bộ 24 đề ôn tập môn Lịch sử lớp 9 dành cho học sinh tại Hà Nội có đáp án không chính xác, Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát, chỉnh sửa lại.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, hiện nay, phần học trắc nghiệm đang là xu hướng và hướng đến khả năng tự học thì những tài liệu dạng này hữu ích cho học sinh cũng như giáo viên có thêm một nguồn tài liệu học tập.
Tuy nhiên, theo cô Thảo, cần phải lưu ý việc lựa chọn tài liệu online vì trên mạng hiện nay rất nhiều và mức độ tin cậy cũng đang bị bỏ ngỏ nên cũng cần có sự lưu tâm của cấp quản lý về chuyên môn và sự phản ánh của giáo viên trong việc chọn nguồn ôn tập cho các em.
Sở GD&ĐT nên để một kênh trực tuyến như hiện tại để các em có thể vừa học, vừa ôn và làm quen với việc thi tốt nghiệp.
“Cần tăng thêm nguồn câu hỏi ở các mức độ khác nhau...để các em đo được năng lực học của mình qua các thang bậc đo lường theo các cấp độ. Nếu có tài liệu ôn tập tốt, học sinh có thể tự học, tự ôn. Cách làm là tốt. Nhưng nên có những đáp án và câu hỏi đảm bảo tính khoa học, chính xác sẽ tốt hơn cho các em”- cô Thảo nhấn mạnh.