Không chỉ là một sự kiện đối nội của Anh, cuộc bầu cử lần này đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế vì liên quan đến vấn đề xương sống của khu vực, đó là đáp án cho câu hỏi Anh sẽ ly khai hay ở lại với Liên minh châu Âu (EU). Với tư cách là một nền kinh tế lớn tại châu Âu và là một trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, nước Anh đóng một vai trò quan trọng trên cả lĩnh vực chính trị và kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc London từ chối gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) để bảo vệ sức mạnh của đồng nội tệ đã khiến cho tiếng nói của nước này giảm sút đáng kể trong EU. Trong khi vai trò của Anh đang ngày càng thu hẹp, thì việc Thủ tướng Anh Cameron cam kết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào năm 2017 về việc Anh có nên ly khai EU.
Cam kết trên của ông Cameron là một chiến thuật để thu hút phiếu của cử tri. Với mục tiêu này, chiến thuật của Thủ tướng đương nhiệm đã tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi tranh thủ lấy lòng cử tri trong nước, có vẻ như ông Cameron không làm các đối tác quốc tế hài lòng. Việc Thủ tướng Anh đã vắng mặt trong các cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus về cuộc xung đột ở Ukraine giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin là bằng chứng cho thấy Anh đang bị các đối tác cô lập.
Một khi rời khỏi EU, điều đương nhiên là Anh sẽ bị gạt ra khỏi những công việc của khối. Khi đó, Đức, với nền kinh tế hùng mạnh, sẽ trở thành đầu tàu khu vực và là đối tác chính của Mỹ trong các chính sách toàn cầu.
Sau chiến thắng, ông Cameron phải đối mặt với bài toán khó, thực hiện lời hứa với cử tri và điều này đồng nghĩa với việc đặt cược vị thế quốc tế của Anh trong một ván bài mạo hiểm.