Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 34 héc-ta đất ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) thuộc sở hữu của nhà nước được quy hoạch làm dự án cụm công nghiệp. Tuy nhiên, khi đất được giao cho một doanh nghiệp thuê làm dự án thì bị lấn chiếm, biến thành “khu dân cư”.

Sáng 4/8, UBND huyện Tuy Đức tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc xử lý các trường hợp chiếm đất trái pháp luật trong cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có tổng diện tích hơn 34 héc-ta. Toàn bộ diện tích trên có nguồn gốc từ đất lâm trường, thuộc sở hữu và quản lý của Nhà nước.

Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’ ảnh 1

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức thông tin trong buổi họp báo

Sau nhiều lần giao cho các đơn vị triển khai các dự án phát triển kinh tế khác nhau, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho UBND huyện Tuy Đức quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm.

Khi quy hoạch cụm công nghiệp trên, UBND huyện Tuy Đức đã thẩm định, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. UBND huyện đã bồi thường, hỗ trợ tài sản cho một tổ chức là nông trường cao su Tuy Đức và 1 cá nhân canh tác trên đất lâm trường thời điểm đấy.

Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’ ảnh 2

Nhiều hộ dân đã dựng nhà trên đất cụm công nghiệp

Sau khi có quỹ đất sạch, năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông cho Cty CP xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận thuê làm dự án, đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, do năng lực quản lý yếu kém, chủ đầu tư để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sang nhượng trái phép, gây bất ổn an ninh trật tự địa phương. Do đó, năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi đất và hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất đã giao cho Cty Đại Gia Thuận. Từ đó, hơn 34 héc-ta đất trên thuộc quản lý của UBND huyện Tuy Đức.

Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’ ảnh 3

Đất cụm công nghiệp bị lấn chiếm, biến thành "khu dân cư"

“Chủ trương của tỉnh vẫn quy hoạch số đất trên làm cụm công nghiệp, tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư. Tuy vậy, hơn 32/34 héc-ta đất của cụm công nghiệp đang bị người dân lấn chiếm. Do đó, địa phương quyết tâm thu hồi, lập lại trật tự trên địa bàn”, đại diện UBND huyện Tuy Đức thông tin.

Theo thống kê, rà soát của huyện Tuy Đức, trong cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có 53 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 23 trường hợp chiếm 8,6 ha không xác định được đối tượng vi phạm. Để xử lý các trường hợp vi phạm, thời gian qua huyện Tuy Đức đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp UBND xã Quảng Tâm rà soát và lập biên bản vi phạm hành chính, kiên quyết xử lý thu hồi đất lấn chiếm trái pháp luật.

Huyện Tuy Đức đã tổ chức đối thoại với các hộ dân chiếm đất; đồng thời các tổ chức đoàn thể của huyện trực tiếp xuống từng hộ dân tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất đã chiếm.

Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’ ảnh 4

Cơ quan chức năng xác định vị trí các hộ lấn chiếm đất cụm công nghiệp

Quá trình làm việc, UBND huyện nhận nhiều đơn thư của các hộ dân chiếm đất với nhiều yêu cầu, trong đó có việc cấp quyền sử dụng đất ở khu vực này. Tuy nhiên, UBND huyện Tuy Đức khẳng định không có cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu trên bởi toàn bộ diện tích có nguồn gốc đất công, thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước.

Theo kế hoạch, trong tháng 8/2022, huyện Tuy Đức sẽ thu hồi, cưỡng chế 23 trường hợp vắng chủ không xác định được đối tượng. Tháng 9/2022, huyện sẽ cưỡng chế đối với 30 trường hợp còn lại.

Đất cụm công nghiệp ở Đắk Nông thành... ‘khu dân cư’ ảnh 5

Những hộ tự nguyện bàn giao đất được hỗ trợ di dời tài sản, cây trồng

Hiện 5 trường hợp đã tự nguyện trả lại đất cho chính quyền. Những hộ này có yêu cầu chính quyền hỗ trợ tháo dỡ công trình nhà ở, di dời các cây trồng có giá trị sang khu vực khác. UBND huyện Tuy Đức cũng rà soát hoàn cảnh các trường hợp lấn chiếm đất tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm. Qua kiểm tra, có 3 hộ cận nghèo, 1 hộ nghèo. Những trường hợp này, UBND huyện Tuy Đức sẽ có phương án hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền ăn trong 3 tháng.

MỚI - NÓNG