“Đạo” và “Chế”

“Đạo” và “Chế”
TP - Từ vụ Tổng giám đốc Cen Group khu vực phía Nam bắt nhịp để hàng trăm nhân viên Công ty này hát bài hát được chế từ Quốc ca, mang tên “Cen ca”, dư luận đã dậy sóng. Thậm chí nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị xử lí nghiêm vụ nhạc chế “bá đạo” này. Rồi Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc… Có lẽ từ hồi chuông báo động ấy người ta bắt đầu băn khoăn về nhạc chế.

Trong khi việc “đạo” các tác phẩm văn chương vừa qua bị lên án gay gắt, việc “chế” các nhạc phẩm hình như vẫn là mảng êm đềm tồn tại. Không chỉ những ca khúc thị trường bị chế mà ngay cả những ca khúc cách mạng như Hò kéo pháo của nhạc sỹ Hoàng Vân cũng thường xuyên là món “nhắm” ngon trên bàn bia rượu bấy lâu nay. Không vinh dự tự hào gì khi đứa con dứt ruột đẻ ra bị mang bông đùa, cho dù, vì sự bông đùa mua vui mà có khi một số ca khúc lại trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Nhưng như thế có khác gì kiểu nổi tiếng nhờ tai tiếng?

Có người nói, việc “đạo” tác phẩm văn chương bị lên án mạnh mẽ, trở thành đề tài nóng sốt, bởi lẽ, “đạo” liên quan đến tiền và danh, còn “chế” thuần túy giải trí. Nói thế, cũng đúng song chưa chuẩn. Đành rằng, đa phần sản phẩm nhạc “chế” rơi vào dạng khuyết danh, chủ yếu do ai đó hoặc nhóm người nào đó trong một hoàn cảnh bất thình lình đã tức cảnh sinh… lời ca và họ không nghĩ đó thực ra chính là một hình thức “đạo”. Lấy hẳn phần nhạc, chỉ thay phần lời, ấy có phải là “đạo” một cách ngang nhiên không? Nhạc “chế” nghe thân phận có vẻ vất vưởng chốn bàn nhậu nhưng nếu được khoác áo nhạc Hoa lời Việt, nhạc Thái lời Việt, nhạc Tây lời Việt… thì khác ngay, rất nhiều ca khúc dạng này đã từng nổi đình nổi đám trên thị trường âm nhạc Việt suốt một thời gian dài. Đó cũng là một dạng “chế” trá hình mà thôi.

Và nhạc “chế” cũng không chỉ luẩn quẩn trong vài cuộc nhậu, mấy cuộc vui thuần túy phi lợi nhuận của quần chúng nhân dân. Thực tế, nhạc “chế” đã đường hoàng bước lên sân khấu hài, mang về lợi nhuận không nhỏ cho các đơn vị tổ chức. Điển hình như chương trình Gặp nhau cuối năm, thu hút rất đông khán giả truyền hình cả nước theo dõi, mấy khi vắng bóng nhạc “chế”. Bài Áo trắng đến trường đã được “chế” thành Áo trắng đến giường nói về nạn phong bì trong ngành y. Tôi - Người lái xe được “chế” lời thành “Loay hoay quanh năm hết gỡ lại ngăn/ Có anh giao thông tăng cường kiếm ăn”… Đó là những bài “chế” chễm chệ lên truyền hình quốc gia ngày Tết, đâu có sao, vẫn được động viên khuyến khích năm sau cứ phát huy “chế” cho vui. Chẳng biết các tác giả có những “đứa con” bị mang ra làm trò có nhận được đồng nhuận bút nào không, hay chỉ ngậm ngùi xem phút thăng hoa sáng tạo của mình bỗng chốc hóa trò cười?

Người ta nói Mỹ là vương quốc của nhạc chế, thậm chí người chế lại lời còn ẵm cả giải Grammy. Tuy thế, ở Mỹ chẳng ai đi chế sự linh thiêng như Quốc ca ở cái xứ ta. Chế Quốc ca là sự không thể dung thứ, cho dù có luật hay không, thì ý thức của mỗi công dân phải sẵn có. Song đó là lý thuyết, nếu chỉ dựa trên ý thức, thì ngay cả tại nơi Nữ thần Tự do ngự trị, ai dám chắc sẽ không có ngày người ta đem Quốc ca ra chế. Khi tôi hỏi ý kiến nhà phê bình văn học Ngô Thảo về vụ chế Quốc ca, lão nhà văn từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc điềm tĩnh hỏi lại: “Vụ này tui không biết. Mà có luật nào cấm chưa?”. Hơn thế nữa, khi bài Quốc ca được bảo vệ nghiêm khắc, các ca khúc khác vẫn cứ bị/được vô tư “chế” không rào cản? Có chút ngậm ngùi không, khi người ta cũng một đời mang danh nhạc sỹ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.