Đào thoát khỏi 'vùng chiến' thương mại

Mitsubishi Electric đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Đại Liên về Nagoya (Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất của hãng tại Nagoya, Nhật Bản-wikimedia)
Mitsubishi Electric đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Đại Liên về Nagoya (Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất của hãng tại Nagoya, Nhật Bản-wikimedia)
TP - Một loạt doanh nghiệp châu Á, từ nhà sản xuất con chip thẻ nhớ tới công cụ cơ khí, đang dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nhà máy khác trong khu vực để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Các công ty như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co. và Komatsu của Nhật Bản đã từ tháng 7 vừa qua đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển dời dây chuyền sản xuất khi đợt thuế đầu tiên được thực thi và công việc di chuyển đang diễn ra tại thời điểm này, theo lời đại diện các công ty nói với hãng tin Reuters.

Các công ty khác, ví như nhà sản xuất máy tính của Đài Loan là Compal Electronics và công ty LG Electronics của Hàn Quốc, đang xây dựng kế hoạch đối phó khẩn cấp trong trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

Phản ứng nhanh chóng đối với chính sách thuế mới của Mỹ có thể thực hiện được vì nhiều nhà sản xuất lớn đặt nhà máy ở nhiều nước và có thể dịch chuyển ngay một phần hoạt động sản xuất mà không nhất thiết phải xây dựng nhà máy hoàn toàn mới. Một số nơi như Đài Loan và Thái Lan đang chủ động khuyến khích các công ty chuyển dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

Mỹ đã áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 7 và đợt thuế tiếp sau đó với thuế suất 10% nhắm tới 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào tuần này. Thuế suất của đợt áp thuế thứ hai có thể lên đến 25% vào cuối năm nay, và tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế tiếp đợt ba với 267 tỷ USD hàng hóa, điều đó có nghĩa là toàn bộ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế.

Việc Mỹ áp thuế đã khiến Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất đi vị thế một trung tâm sản xuất chi phí thấp của thế giới, thị trường Trung Quốc vốn có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nhanh cũng theo đó mà giảm độ hấp dẫn vốn đã giúp thu hút nhiều nhà đầu tư tới đây thuê đất xây nhà máy trong vài thập kỷ qua…

Tại công ty SK Hynix, chuyên sản xuất chip thẻ nhớ cho máy tính, công việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc quay trở lại quê nhà Hàn Quốc đang diễn ra khi phóng viên Reuters tới tìm hiểu.

Giống như công ty đối thủ đến từ Mỹ là Micron Technology (cũng đang chuyển dời việc sản xuất chip thẻ nhớ từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác), SK Hynix thực hiện khâu thử nghiệm và đóng gói con chip tại Trung Quốc trong khi hầu hết những con chip này lại được sản xuất ở nơi khác.

“Một số sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và xuất sang Mỹ”, một nguồn tin liên quan đến SK Hynix nói. “SK Hynix đang lên kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất trở về Hàn Quốc để né thuế của Mỹ”.

Công ty cơ khí Toshiba Machine nói họ đã có kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất các máy đúc nhựa dành cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc qua Thái Lan vào tháng 10 tới. Máy đúc nhựa này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa, ví dụ cản trước của ô tô. “Chúng tôi đã quyết định sẽ chuyển một phần dây chuyền khỏi Trung Quốc vì tác động của chuyện thuế là không hề nhỏ”, người phát ngôn công ty nói.

Trong khi đó, công ty sản xuất thiết bị điện Mitsubishi Electric nói họ đang trong quá trình chuyển dời dây chuyền sản xuất đồ dùng ngành thép từ nhà máy chính ở thành phố Đại Liên về nhà máy ở Nagoya, Nhật Bản.

Tại Đài Loan, một nhà điều hành thuộc công ty sản xuất máy tính xách tay Compal nói ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đối với họ cho tới nay vẫn đang ở mức “giới hạn”, nhưng công ty này đang nghiên cứu một số lựa chọn.

“Chúng tôi có thể sử dụng nhà máy ở Việt Nam, Mexico và Brazil để thay thế”, vị giám đốc này nói. “Điều này không hề đơn giản bởi phần lớn sản lượng của chúng tôi là ở Trung Quốc”.

Các công ty có quy mô nhỏ hơn đang cân nhắc ý tưởng tương tự. Nhà sản xuất thiết bị y tế IM Healthcare (Hàn Quốc), với các sản phẩm như máy lọc khí, đang tính tới việc chuyển dây chuyền qua Việt Nam hoặc trở về Hàn Quốc nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn.

MỚI - NÓNG