Trung bình mỗi ngày cho “ra lò” gần 1 tiến sĩ
Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm đối với Học viện Khoa học xã hội thời gian qua là chỉ tiêu đào tạo của đơn vị này lên 350 tiến sĩ (TS)/năm. Tuy nhiên, Giám đốc Học viện GS Võ Khánh Vinh cho biết, đào tạo nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều căn cứ, vào quy định của Bộ GD&ĐT, năng lực của học viện và nhu cầu xã hội. Hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành TS.
Theo ông Vinh, chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo lớn như vậy, học viện có 412 cán bộ cơ hữu gồm 19 GS, 175 PGS, số còn lại là TS, trong đó có nhiều TS đã từng học tại học viện. Ngoài ra, học viện còn có khoảng 2.000 GS, PGS, TS thỉnh giảng và hướng dẫn. “Tôi khẳng định với 350 chỉ tiêu/năm, chúng tôi vẫn còn dư năng lực”, GS Vinh nói.
Mặt khác, ông Vinh cho biết mỗi năm học viện có khoảng 10% nghiên cứu sinh không được bảo vệ. Trong số 90% được bảo vệ, thì cũng có khoảng 20% bảo vệ quá hạn. Ông Vinh cho biết thêm, trong 784 tiến sĩ đã ra trường số lượng những người làm công tác nghiên cứu trong viện hàn lâm chiếm khoảng 10%.
“Nịnh” và “giao tiếp của chủ tịch xã” thành luận án TS
Liên quan đến hai đề tài khiến dư luận xôn xao là Hành vi nịnh trong tiếng Việt và Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, lãnh đạo các Viện liên quan cũng đã có trao đổi cụ thể với báo chí. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đề tài nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt là đề tài tốt. Hành vi này có những đặt trưng riêng cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho văn hóa. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt.
Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội mà cần quan sát theo góc độ xã hội học. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới. Cũng theo ông Hiệp, chất lượng của đề án khá tốt. “Tôi đang đề nghị chị Huệ làm sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu. Nếu nghi ngờ chất lượng xin Bộ hậu kiểm” – ông Hiệp khẳng định.
Còn đề tài Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học khẳng định: Đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt. Ông Dũng viện dẫn, hiện nay, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương có bấy nhiêu chủ tịch xã. “Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không? Còn tại sao lại là chủ tịch xã mà không huyện, tỉnh, trung ương? Bởi vì xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã. Trong thời gian gần đây mọi người nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng” – ông Dũng chia sẻ.
Năm học 2014-2015, cả nước có trên 1 vạn nghiên cứu sinh TS
Theo PGS. TS Lê Hữu Lập, nếu Bộ GD&ĐT sử dụng công cụ là Thông tư 32 và Thông tư 57 để kiểm soát cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thì sẽ thất bại. Vì chỉ 3 tiêu chí như thế các trường có thể dễ dàng lách luật để đào tạo. Các trường tự xác định chỉ tiêu rồi đưa lên Bộ GD&ĐT, còn hậu kiểm được hay không thì không phải trường nào thanh tra Bộ cũng “với” tới.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2014 – 2015, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ là 10.352 nghiên cứu sinh, trong đó, đồng bằng sông Hồng là 7.214 nghiên cứu sinh. Đơn vị đào tạo nhiều là ĐH Quốc gia Hà Nội 1.118, trong đó Nhân văn là 510, ĐH Bách khoa Hà Nội 524, Kinh tế quốc dân 570, ĐH Sư phạm Hà Nội 722, Học viện Khoa học xã hội là 1.211.
Luận án TS về “Nịnh” và “Giao tiếp của chủ tịch xã”:
Dư luận nghi ngờ, học viện nói thành công
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện KHXH cho biết: Những đề tài này nghe với ta có vẻ lạ nhưng với quốc tế, khi giải trình ra thì rất thiết thực. Học viện có một chủ trương, đào tạo, nghiên cứu, thực tiễn phải gắn liền với nhau. Tôi cũng mong rằng, thời gian tới, nếu có điều kiện thì có thể cho xuất bản một số đề tài để xã hội hiểu những vấn đề rất thiết thực.
Vậy tại sao dư luận phản ứng?
Tôi nghĩ là do dư luận chưa hiểu hết học viện, chưa hiểu hết những vấn đề bên trong. Nhưng dư luận ở đây là số đông hay số ít? Tôi cũng là nhà báo, cũng là tổng biên tập nên cứ có dư luận là chúng ta phải giải trình.
Vậy hai đề tài nói trên là do học viên đưa lên hay do học viện đề xuất?
Do học viên lựa chọn trên định hướng chung. Hai đề tài đó được thực hiện trong ngữ cảnh khó, đó là mới nhưng rất thành công về nội dung.
Sự thành công của một đề án là dựa vào nội dung thành công hay áp dụng thực tiễn thành công, thưa ông?
Câu này không thể trả lời hoặc A, hoặc B. Mà là cả logic thực tiễn, trước mắt phải có lý thuyết đã.
Cảm ơn ông!