Đảo ngọc Phú Quốc thất thủ, 8.400 căn nhà ngập trong nước: Vì đâu nên nỗi?

TPO - Lượng mưa kỷ lục cộng với nước biển dâng; tốc độ đô thị hoá nhanh, tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông suối đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước… là những nguyên nhân gây ngập lụt nặng ở đảo ngọc Phú Quốc, trên 8.400 căn nhà bị ngập.

Trên 8.400 căn nhà bị ngập, thiệt tại hơn 100 tỷ đồng

Sáng nay (10/8), ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh Kiên Giang đang trên đường ra đảo để bàn biện pháp phòng chống ngập, khắc phục hậu quả của ngập lụt trong những ngày qua.

Ghi nhận của PV Tiền Phong sáng nay tại Phú Quốc trời đã bớt mưa và xuất hiện những tia nắng đầu tiên sau hai ngày bị ‘nhấn chìm’. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết vẫn còn khoảng 2.000 người được di dời đến nơi an toàn, huyện đang chuẩn bị 2.000 suất cơm phục vụ người dân.

Sân bay Phú Quốc cũng đã mở cửa trở lại từ tối 9/8 và dự kiến khai thác 100 chuyến bay trong hôm nay (10/8). Khoảng 1.500 người đang giúp người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả, di dời, ổn định tài sản. Các xã, thị trấn và các ngành đang tập trung khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, mưa lụt trong những ngày qua đã làm trên 8.400 căn nhà ở đảo Phú Quốc bị ngập, tổng thiệt hại ước tính 107 tỷ đồng.

Đảo ngọc Phú Quốc thất thủ, 8.400 căn nhà ngập trong nước: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1

Lượng mưa rất lớn nhưng diễn ra trong thời gian ngắn, lại trùng với thời điểm nước biển dâng cao, việc thoát nước từ sông suối ra biển bị cản trở, hàng ngàn người dân phải di tản.

Trước đó, UBND huyện Phú Quốc cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập cục bộ một số khu vực trên địa bàn. Trong đó chủ yếu do tình hình biến đổi khí hậu; trong 4 ngày (02 - 05/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 501,2mm, đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn, lại trùng với thời điểm nước biển dâng cao, việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều.

Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003, quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt. Nhưng đến nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh của người dân phát triển nhiều hơn so với trước nên hệ thống hạ tầng về thoát nước đã được đầu tư trước đó đã trở nên cũ kỹ, quá tải không còn đảm bảo, việc thoát nước từ các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người dân bị hạn chế.

Mặt khác, các khu vực này hiện trạng trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp. Hiện nay bị san lấp, tôn nền nên hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng.

Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hoá nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm cùng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến việc thoát thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển, gây ngập lụt nặng tại các khu dân cư sinh sống ở ven sông, ven suối do thoát nước không kịp.

Mặc dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt xử lý người dân tự tiện lấn chiếm sông, suối để xây dựng nhà ở, tuy nhiên việc xử lý chưa thật sự triệt để.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 02/8 đến 09/8 trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trên 1.100mm (tính riêng từ 19h00 ngày 08/8 tới 13h00 ngày 09/8/2019 đã đạt 335mm).

Mưa lớn đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của nhân dân, đặc biệt trên đảo đang tập trung đông khách du lịch và có nhiều công trình đang xây dựng.

Đảo ngọc Phú Quốc thất thủ, 8.400 căn nhà ngập trong nước: Vì đâu nên nỗi? ảnh 2 Mưa kỷ lục, lớn hơn trung bình nhiều năm đã khiến đảo ngọc "thất thủ". 
Đảo ngọc Phú Quốc thất thủ, 8.400 căn nhà ngập trong nước: Vì đâu nên nỗi? ảnh 3 Nhiều tuyến đường cùng hàng ngàn nhà cửa bị ngập.
MỚI - NÓNG
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
TPO - Liên quan đến việc xử lý tòa nhà đẹp nhất Cà Mau xây không phép trên đất nông nghiệp, UBND TP. Cà Mau lại thống nhất cho chủ căn nhà chuyển mục đích sử dụng đất, thay vì đường chế phá dỡ phần vi phạm như quyết định trước đó.